Quỹ đầu tư chuyển mình để tồn tại

Quỹ đầu tư chuyển mình để tồn tại

(ĐTCK) Khó khăn nhưng vẫn có những lời rao mua ngầm công ty quản lý quỹ.

Cuối tháng 3, Công ty Quản lý quỹ MB tổ chức sự kiện ra mắt Quỹ đầu tư trái phiếu MBCapital Việt Nam (MBBF). Đây là quỹ mở đầu tiên của Việt Nam được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động, với quy mô ban đầu khá khiêm tốn, 54 tỷ đồng. Cùng với MBCapital, CTCP Quản lý quỹ VinaWealth cũng công bố đã kết thúc đợt chào bán chứng chỉ Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo thịnh VinaWealth (VFF), với quy mô vốn cũng chỉ hơn 50 tỷ đồng. 2 quỹ mở đầu tiên có quy mô ban đầu khiêm tốn, nhưng nhiều CTQLQ hy vọng, đây là sản phẩm giúp các công ty này chuyển mình để tồn tại và vươn lên.

 

Quỹ đầu tư chuyển mình để tồn tại ảnh 1Thách thức lớn nhất là khả năng tiếp nhận sản phẩm quỹ đầu tư của thị trường rất hạn chế

 

Hiện trạng ngành quản lý quỹ

Thống kê từ UBCK, đến cuối năm 2012, ngành quản lý quỹ Việt Nam có 47 công ty đang hoạt động với tổng số vốn điều lệ 3.126 tỷ đồng. Tổng khối lượng tài sản các công ty này quản lý khoảng hơn 100.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD), tăng gần 3% so với cuối năm 2011. Trong đó, tài sản từ các hoạt động quản lý danh mục chiếm 90%, còn tài sản của các quỹ đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%. Doanh thu toàn ngành quản lý quỹ năm 2012 khoảng 700 tỷ đồng, lợi nhuận cả ngành đạt 30 tỷ đồng. So với năm 2011, kết quả này được UBCK đánh giá là “ổn định” (tăng 1-2%). Tuy nhiên, so với nguồn lực tài chính và con người mà ngành quản lý quỹ đang sử dụng thì hiệu quả thu được còn rất thấp, tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ chưa đạt 1%; tỷ suất lợi nhuận/tài sản quản lý năm 2012 chỉ có 0,03%.

Tính chung toàn thể 47 công ty quản lý quỹ, có 15 công ty lập được quỹ và đang thực hiện quản lý 22 quỹ đầu tư, trong đó có 16 quỹ thành viên và 6 quỹ đại chúng. Trong số các quỹ được thành lập này, có 6 quỹ đã và đang tiến hành giải thể do hết thời hạn hoạt động, 4 quỹ tiến hành giảm vốn điều lệ do một bộ phận nhà đầu tư rút vốn. Theo UBCK, tình hình hoạt động của khối CTQLQ được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 gồm trên 30 công ty hoạt động tương đối tốt, có lãi, trong đó có 24 công ty trực thuộc các ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc công ty chứng khoán, quản lý khoảng 83% tổng giá trị tài sản của cả ngành. Bên cạnh đó là 15 công ty nhỏ, hoạt động cầm chừng, bị thua lỗ, trong đó có 3 công ty không duy trì được chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định pháp luật. Một số công ty quản lý quỹ đã bộc lộ những sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ, đến mức bị UBCK công khai sai phạm và xử phạt. Số công ty bị xử phạt năm qua lên tới cả chục đơn vị.

 

Thách thức tồn tại và phát triển

Vấn đề lớn nhất của ngành quản lý quỹ năm 2012 không phải là ở chỗ TTCK khó khăn dẫn đến hiệu quả hoạt động kém (bởi TTCK đã có khăn từ vài năm trước đó), mà là phải làm thế nào để tìm một hướng đi mới cho ngành này, trong bối cảnh kể từ khi ra đời đến nay, ngành quản lý quỹ hầu như chưa bao giờ “tỏa sáng”.

Trong số 5 quỹ đại chúng đang niêm yết - hình ảnh biểu trưng của ngành trước công chúng - thì có tới 4 quỹ có thị giá giao dịch dưới mệnh giá. Có lẽ vì hiệu quả hoạt động của các quỹ đại chúng chưa thực sự khiến công chúng đầu tư nể phục và tin tưởng, nên lãnh đạo VinaWealth, khi chia sẻ về khả năng huy động vốn cho quỹ mở, đã nói rằng, thực tế diễn ra khó hơn những gì ông dự liệu, vì nhà đầu tư chưa hiểu, chưa tin vào khả năng mang lại lợi ích cho họ của ngành này.

Theo nhiều ý kiến, thách thức lớn nhất là khả năng tiếp nhận sản phẩm quỹ đầu tư của thị trường hiện rất hạn chế. Hai quỹ mở đầu tiên huy động vốn thành công ở mức “vừa đủ theo quy định pháp luật” là những chủ thể cảm nhận rõ nhất những trăn trở của nhà đầu tư khi thuyết phục họ góp vốn vào quỹ. Như lời ông Sebastian Subba, Tổng Giám đốc VinaWealth nói thì niềm vui của Công ty ông không phải là ở việc huy động đủ 50 tỷ đồng vốn tối thiểu để lập quỹ mở, mà là quá trình đi tiếp xúc, mời gọi nhà đầu tư góp vốn đã giúp ông hiểu hơn nhu cầu, kỳ vọng của họ. Không dễ để xây niềm tin nơi công chúng vào ngành quản lý quỹ, nhưng đó là việc các công ty quản lý quỹ phải làm, nếu muốn tồn tại và phát triển.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, cả 2 quỹ mở đầu tiên đã “kiếm đủ” trên 100 nhà đầu tư góp vốn - một tiêu chí bắt buộc để được cấp phép hoạt động. Thuyết phục được nhà đầu tư đã khó, làm thế nào sinh lợi trên đồng vốn họ đã góp lại khó hơn. Tuy nhiên, khó hơn tất cả là làm sao tổ chức được bộ máy quản lý quỹ với những yêu cầu khắt khe về tính minh bạch và khả năng thanh khoản (nhà đầu tư vào quỹ mở được quyền yêu cầu CTQLQ mua lại chứng chỉ quỹ), với một nguồn thu phí quản lý rất nhỏ hẹp?

Tổng giám đốc một CTQLQ nước ngoài, người từng rất hào hứng với mô hình quỹ mở tại Việt Nam, đã than thở rằng, ở quy mô 50 tỷ đồng, phí quản lý nếu thu ở mức cao nhất (5%) thì cả năm, Công ty cũng chỉ thu được 250 triệu đồng. Trường hợp lập quỹ trái phiếu, mức phí thu của nhà đầu tư thấp hơn nhiều, tạm tính ở mức 3% thì nguồn thu của CTQLQ chỉ 150 triệu đồng, không đủ trả lương cho 1 chuyên viên đầu tư!

Tất nhiên, không công ty nào lập quỹ mở lại chỉ tính đến quy mô ở mức tối thiểu (50 tỷ đồng). Quỹ mở cho phép nhà đầu tư rút vốn khi cần thì cũng được phép nhận thêm vốn góp, nếu nhà đầu tư mong muốn. Ở quy mô 500 tỷ đồng của quỹ mở, CTQLQ có thể có nguồn phí 2,5 tỷ đồng, đó là một tương lai đáng mơ ước, nhưng không biết bao giờ mới đạt được trên TTCK Việt Nam.

 

Nhu cầu mua - bán ngầm

Từ thị trường, ghi nhận ở một số đầu mối thông tin cho biết, hiện có ít nhất 6 CTQLQ đang rao bán (ngầm) với hy vọng “đổi chủ, thay tên sẽ đổi vận”. Một vài tổ chức tài chính, đặc biệt là khối ngân hàng, cũng ngầm rao mua để sở hữu CTQLQ, trong bối cảnh UBCK đã ngừng cấp phép cho loại hình công ty này từ vài năm nay.

Vì sao ngành quản lý quỹ gian nan và khó kiếm lời như vậy mà vẫn có những chủ thể muốn mua CTQLQ? Lý do căn bản xuất phát từ những tổ chức có nhu cầu sở hữu CTQLQ thường là các ngân hàng chưa có CTQLQ, họ cần thêm CTQLQ để xây dựng đội hình của một định chế tài chính đa ngành. Bên cạnh đó, loại hình CTQLQ cũng là một kênh giúp xử lý các vấn đề tài chính trong nội bộ một định chế tài chính lớn. Và thứ ba, có lẽ là sự kỳ vọng ngành quản lý quỹ Việt Nam sẽ sớm hồi sinh, từ sự mở đường của các văn bản pháp lý và sự nỗ lực của các chủ thể lành mạnh trong đó.

Dù còn nhiều điểm cần sửa đổi để mở đường cho DN, nhưng nỗ lực hoàn thiện pháp lý để cho ra đời quỹ mở và sắp tới là quỹ ETF của UBCK là một động lực mới cho các DN trong ngành. Cùng với MBCapital và VinaWealth, Công ty Quản lý quỹ Việt Nam cũng đã được cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ mở. Tiếp theo đó, nhiều công ty khác như Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investment, CTQLQ Vietcombank… đang tìm kiếm khả năng lập quỹ mở. Trước mắt, quỹ mở chắc chắn chưa thể cải thiện hiệu quả tài chính cho các CTCLQ và cả ngành quản lý quỹ. Tuy nhiên, với tính chất linh hoạt, cho phép nhà đầu tư rút hoặc góp thêm vốn, đó là một sản phẩm “thử nghiệm” mối quan tâm của thị trường đến ngành quản lý quỹ, yếu tố có tính chất quyết định tương lai của ngành quản lý quỹ Việt Nam.