Thời chứng khoán khó
Cập nhật giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ tại kỳ báo cáo mới nhất so với kỳ định giá trước cho thấy, đều ở trạng thái giảm. Tại kỳ báo cáo ngày 22/5, NAV của Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) giảm 1,04%, Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) giảm 2,28%. Tại kỳ báo cáo ngày 24/5, NAV của Quỹ Đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA) giảm 3,88% so với kỳ định giá trước…
Lý giải sự suy giảm NAV trên diện rộng, lãnh đạo một công ty quản lý cho rằng, diễn biến thị trường chứng khoán “lên cao, xuống sâu” liên tục biến động trong thời gian ngắn khiến cho chiến lược cũng như cách thức ra quyết định đầu tư của nhiều quỹ gặp thách thức. Các quỹ thường không ra - vào hàng trong thời gian ngắn như nhà đầu tư cá nhân, nên khi thị trường diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, ngay cả khi các quỹ muốn thoát hàng cũng không dễ xoay sở nhanh do khối lượng cổ phiếu nắm giữ thường lớn.
Còn một yếu tố nữa khiến nhiều quỹ thua thị trường trong những tháng đầu năm nay, là nhiều cổ phiếu bluechip hiện giảm giá sâu sau thời gian tăng giá đến chóng mặt, trong khi NAV của nhiều quỹ đầu tư cổ phiếu thường tập trung giải ngân vào các mã phiếu này. Hệ quả là việc giá nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư suy giảm mạnh trong bối cảnh thị trường lao dốc đã khiến NAV của nhiều quỹ giảm.
Theo góc nhìn của bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), thị trường đã đi lên nhanh và mạnh trong 3 tháng đầu năm nay sau khi đã tăng tới 48% trong năm 2017. Việc tìm kiếm được các cơ hội đầu tư ở mức giá hợp lý sẽ khó hơn rất nhiều trong thời gian này. Vì thế có một số thời điểm tỷ trọng phân bổ cổ phiếu của Quỹ VCBF-BCF đã giảm xuống dưới 70%.
“Do đầu tư giá trị dựa vào định giá từng cổ phiếu, chúng tôi đã không thể giải ngân được toàn bộ số tiền mới đầu tư của nhà đầu tư vào quỹ khi định giá thị trường lên cao. Thời điểm đó có khá nhiều nhà đầu tư thắc mắc về việc quỹ giữ quá nhiều tiền nhưng chúng tôi vẫn kiên định với phương pháp đầu tư của mình”, bà Nga chia sẻ và cho biết, thị trường biến động mạnh có nghĩa là rủi ro tăng lên.
Tuy vậy, do Quỹ nắm giữ tỷ trọng tiền mặt khá cao, sự điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 vừa qua đã tạo cơ hội giải ngân hợp lý. Nhiều cổ phiếu đã giảm đến giá mua mục tiêu và Quỹ đã tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên trên 90%.
“Khi thị trường lên, nếu nhà đầu tư quyết định đầu tư vào quỹ, thì tiền của họ sẽ được cân nhắc đầu tư hợp lý. Khi thị trường xuống, nhà đầu tư nên kiên trì đầu tư vì đây là lúc các cơ hội giải ngân vào các cổ phiếu tốt với giá rẻ nhiều hơn, sẽ tốt hơn cho quỹ trong dài hạn. Tuy nhiên, do đầu tư chứng khoán là rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc đầu tư cho các mục tiêu tài chính dài hạn để tránh bị động cho các kế hoạch tài chính ngắn hạn...”, bà Nga khuyến nghị
Ý kiến từ người trong cuộc cho thấy, NAV không đến mức giảm sâu và trên diện rộng với nhiều quỹ như thời qua nếu như họ không gặp khó khăn trong sử dụng công cụ phòng vệ rủi ro là chứng khoán phái sinh vì các ngân hàng lưu ký, giám sát chậm triển khai dịch vụ kéo dài.
Với việc vướng mắc này vừa được tháo gỡ vào trung tuần tháng 5 vừa qua, các quỹ đầu tư cổ phiếu bắt đầu giao dịch được Hợp đồng tương lai chỉ số, nên sẽ giúp phòng vệ rủi ro cho các quỹ trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn những biến động trong biên độ lớn khó lường…
Điều này đang được trông đợi sẽ giúp các quỹ đạt được hiệu quả hoạt động cân bằng hơn trong thời gian tới, qua đó tạo được niềm tin trong nhà đầu tư, từ đó dần cải thiện khả năng huy động vốn cho lập các quỹ mới.
Chờ thời gọi vốn
Ý kiến từ các công ty quản lý quỹ cho thấy, thời điểm đầu năm nay, việc gọi vốn khá thuận lợi do thị trường chứng khoán có những bước tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm nay khi thị trường tăng mạnh vì nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là do đặc thù tâm lý của nhà đầu tư cá nhân. Họ thường hứng khởi khi thị trường tăng và có xu hướng đầu tư khi thị trường đi lên. Tâm lý này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới.
Tiếp đến, do thị trường diễn biến thuận lợi, các quỹ mở đều có kết quả hoạt động tốt trong thời gian vừa qua, làm cho nhà đầu tư tin tưởng vào kết quả đầu tư khả quan của các quỹ mở. Chẳng hạn, Quỹ mở của VCBF có kết quả đầu tư tích cực, nên cũng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tính đến 30/4/2018, các quỹ mở của VCBF đang quản lý tổng tài sản gần 1.000 tỷ đồng của 3.300 nhà đầu tư. So với cuối năm 2017, tổng tài sản của hai quỹ đã tăng 38,6%.
click xem ảnh lớn
Một điểm nữa là do các quỹ mở trên thị trường Việt Nam đã có lịch sử hoạt động từ 3-5 năm, các công ty quản lý quỹ tích cực truyền thông về các lợi ích của việc đầu tư vào quỹ thay vì cá nhân tự đầu tư cổ phiếu, nên đã có nhiều nhà đầu tư biết đến quỹ mở hơn so với cách đây vài năm...
Tuy nhiên trên đây là câu chuyện của quý I/2018. Còn với bối cảnh thị trường hiện nay khi VN-Index đã rơi xuống dưới mốc 1.000 điểm và chưa dừng đà lao dốc, cùng với NAV nhiều quỹ giảm sâu do thị trường diễn biến tiêu cực, các công ty quản lý quỹ đều đánh giá là thời gọi vốn thuận lợi nhất đã qua. Khó khăn này không chỉ trong trước mắt, do liên quan đến “chiếc áo pháp lý” chật chội hiện tại. Nhà đầu tư sẽ còn chưa mặn mà tăng bỏ tiền vào quỹ khi các sản phẩm quỹ hiện na ná nhau.
Ngay cả những sản phẩm quỹ ra sau, thì cũng rất khó “làm mới” so với các quỹ ra đời trước đó do hành lang pháp lý hiện cứng nhắc, không tạo ra sự sáng tạo cho các quỹ trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư. Chính điều này khiến các công ty quản lý quỹ khó tạo ra sự khác biệt về ưu thế cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư.
Để tồn tại, thời gian qua nhiều công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư đã phải vật lộn để vượt qua nhiều khó khăn. Bởi vậy để tiếp sức cho ngành quỹ Việt Nam tuy không còn trẻ, nhưng vẫn “chưa ở đâu” trong bản đồ thị trường Việt Nam và khu vực, ý kiến từ những người trăn trở với ngành cho rằng, điều họ chờ đợi là lần sửa đổi Luật Chứng khoán.
Dự thảo đang được xúc tiến hoàn thiện bởi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thị trường mong đợi sẽ có những bước cải cách về cơ chế theo hướng mở ra một hành lang pháp lý mới, mà ở đó cho phép các công ty quản lý quỹ sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để tạo ra ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ trong quá trình gọi vốn, thu hút nhà đầu tư.
Cụ thể thị trường đang trông đợi nhà quản lý sẽ mở ra quy định cho phép sự xuất hiện các loại hình quỹ mới lai tạo giữa quỹ đóng và quỹ mở, giữa quỹ thành viên và quỹ đại chúng…
Cùng với đó là định hình cơ chế giúp quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF thoát khỏi tình cảnh èo uột hiện nay, đồng thời khích lệ quỹ hưu trí ra đời trong bối cảnh loại hình quỹ này mãi chỉ tồn tại… “trên giấy”.