Quỹ đầu tư cần lấy lại hình ảnh

Quỹ đầu tư cần lấy lại hình ảnh

(ĐTCK-online) Dường như chứng chỉ quỹ (CCQ) không còn thu hút được sự chú ý của NĐT khi mà thị trường tăng trưởng mạnh nhưng thị giá của CCQ không có sự thay đổi nhiều, đặc biệt là PRUBF1.

So sánh thị giá với giá trị tài sản ròng (NAV) thì các CCQ đang được giao dịch với mức chiết khấu từ 25 - 40%. Xét về đầu tư giá trị, mua CCQ là chiến lược đầu tư tốt khi mua một danh mục đầu tư với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế. Tuy nhiên, không chỉ NĐT nhỏ lẻ, mà cả NĐT lớn cũng không mặn mà với CCQ. Đơn cử, Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limietd giảm tỷ lệ nắm giữ VFMVF1 từ 17% ngày 16/6 xuống 7,68% ngày 14/8.

Nguyên nhân khiến CCQ không còn hấp dẫn NĐT trong thời gian qua chủ yếu là do hoạt động của ban điều hành quỹ không được như kỳ vọng. Tốc độ tăng NAV quá thấp so với mức bình quân của thị trường (xem bảng).

Nếu đưa ra lý do cơ cấu tài sản của quỹ phải có cả tiền mặt, trái phiếu khiến cho NAV tăng chậm thì sẽ không hợp lý, bởi NĐT khi đầu tư vào quỹ đều kỳ vọng tốc độ tăng NAV phải cao hơn thị trường; nếu thấp hơn, NĐT sẽ không muốn bỏ tiền vào quỹ, mà tự đầu tư.

Ngoài ra, trách nhiệm của ban điều hành quỹ đối với sự thua lỗ quá thấp. Trong năm 2008, khi NAV của CCQ giảm mạnh, quỹ không trả lợi tức, chi phí quản lý quỹ vẫn tính đều 2%/năm trên NAV. Trường hợp quỹ lãi vượt kế hoạch, ban điều hành sẽ được thưởng trên phần giá trị tăng thêm. Năm 2008, Ban điều hành Quỹ VFMVF1 "đốt" mất hơn 2.000 tỷ đồng của NĐT. Thua lỗ là do tình hình chung của thị trường quá xấu!? Lãi vượt mức thì được thưởng, nhưng lỗ thì không sao. Đây là điều không hợp lý.

Để lấy lại hình ảnh về quỹ đầu tư chuyên nghiệp, là nơi tin tưởng của NĐT nhỏ, tôi xin đưa ra hai đề xuất với các nhà điều hành quỹ. Một là, gắn chặt trách nhiệm của mình đối với việc điều hành quỹ. Nếu quỹ thua lỗ thì phí quản lý dành cho ban điều hành sẽ giảm xuống. Hai là, tạm  ứng lợi tức năm 2009 cho NĐT. Điều này có thể sẽ giúp khoảng cách giữa NAV và thị giá của CCQ thu hẹp lại, đảm bảo quyền lợi cho NĐT. Tôi cho rằng, NĐT khi mua CCQ đều mong muốn điều này. Những hành động thiết thực và cụ thể như vậy có ý nghĩa hơn việc tổ chức hội thảo cung cấp thông tin hay đánh bóng hình ảnh của quỹ trên thị trường. Hy vọng trong thời gian tới, các quỹ sẽ đầu tư thành công hơn, đảm bảo quyền và lợi ích cho NĐT, góp phần đưa thị trường tài chính Việt Nam hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả.         

 

VFMVF1

VFMVF4

PRUBF1

MAFPF1

VN-Index

NAV 26/2/2009

15.482

7.582

7.874

4.357

242,53

NAV 1/10/2009

27.912

14.579

9.089

7.845

568,99

Thị giá 1/10/2009

16.500

11.000

5.300

4.800

 

Tăng trưởng NAV

80,29%

92,28%

15,43%

80,06%

134,60%

Chiết khấu so với NAV

40,89%

24,55%

41,69%

38,81%