Sau năm 2021 lãi lớn, nhiều quỹ đầu tư công bố mức lỗ không nhỏ khi kết thúc tháng 6/2022.

Sau năm 2021 lãi lớn, nhiều quỹ đầu tư công bố mức lỗ không nhỏ khi kết thúc tháng 6/2022.

Quỹ đầu tư “bốc hơi” thành quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường giảm nhanh và mạnh trong thời gian ngắn thì kết quả hoạt động của nhiều quỹ đầu tư cũng không tránh khỏi thua lỗ.

Nhiều quỹ ngoại lỗ 16 - 23% trong 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hai chỉ số chứng khoán mà nhiều quỹ đầu tư dùng để tham chiếu là VN-Index và VN30-Index lần lượt giảm 20,1% và 18,7%. Ngoại trừ một số ít cổ phiếu đi ngược thị trường thuộc ngành thủy sản, bán lẻ, logistics… thì hầu hết cổ phiếu đều giảm giá mạnh, nhất là nhóm chứng khoán, thép, bất động sản. Chính vì vậy, nhiều quỹ đầu tư công bố kết quả hoạt động thua lỗ, giá trị tài sản ròng “bốc hơi” từ 16 - 23%.

Trong nhóm quỹ ngoại, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital ghi nhận giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/shares) trong tháng 6/2022 giảm 6,7%, lũy kế 6 tháng đầu năm nay giảm hơn 22%.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) có NAV/shares giảm 21,9%, Quỹ DC Dynamic Securities Fund (DCDS) có NAV/shares giảm 22,5%.

Tổng tài sản của ba quỹ trên tính đến cuối tháng 6/2022 giảm còn hơn 2,5 tỷ USD.

Đối với Quỹ JPMorgan Vietnam Opportunities, danh mục chủ yếu là các cổ phiếu HPG, VHM, VIC, MSN, VCB, ghi nhận NAV/shares giảm 23,6% sau 6 tháng đầu năm 2022.

Jih Sun Vietnam Opportunity Fund, quỹ thuộc VinaCapital, đi vào vận hành từ đầu năm 2022 có hiệu suất đầu tư âm 19,5% tính đến cuối quý II/2022. Tổng tài sản hiện nay của Quỹ khoảng 80 triệu USD, phân bổ vào các cổ phiếu như VHM, CTG, DGC, GAS, với tỷ trọng trên 5% mỗi mã.

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan là Pyn Elite Fund ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 20% sau 6 tháng đầu năm 2022.

Hai quỹ LionGlobal Vietnam Fund và Vietnam Holding có cùng hiệu suất đầu tư âm 16% trong nửa đầu năm 2022.

Nhóm quỹ nội VCBF có mức lỗ nhỏ

Công ty liên doanh Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) cho biết, mức giảm NAV/shares trong 6 tháng đầu năm 2022 của các quỹ do VCBF quản lý đều thấp hơn mức giảm của chỉ số tham chiếu cũng như mức lỗ bình quân của ngành quỹ.

Cụ thể, Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF l (VCBF-TBF) có NAV/shares giảm 4,7% so với mức giảm 9,5% của lợi nhuận tham chiếu (50% VN-Index và 50% lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm), Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF-BCF) có hiệu suất đầu tư âm 7,5% so với mức giảm 22% của chỉ số tham chiếu VN100, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng (VCBF-MGF) ghi nhận lợi nhuận âm 6,6% so với mức giảm 29,7% của chỉ số tham chiếu VN70.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc đầu tư VCBF, diễn biến thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy việc đầu tư vào cổ phiếu không phải là dễ dàng khi 20% số lượng cổ phiếu trên sàn có mức giảm giá bình quân 50% so với vùng đỉnh, trong đó, một số mã giảm hơn 70%. Sở dĩ các quỹ của VCBF ghi nhận mức lỗ ít hơn nhiều so với bình quân của thị trường vì không chạy theo các cơ hội đầu tư ngắn hạn, mang tính cơ hội và đầu cơ, mà tập trung xây dựng danh mục đa dạng các cổ phiếu cơ bản với mức định giá hợp lý.

Liên quan đến việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư, giám đốc một quỹ đầu tư trong nước cho rằng, nhà đầu tư cần xem xét chiến lược đầu tư của quỹ. Nếu so sánh hiệu suất đầu tư của các quỹ có chiến lược đầu tư khác nhau sẽ khó có được đánh giá chính xác.

Một số quỹ “xả hàng”

Theo công bố mới đây của Ballad Fund, quỹ đầu tư trực thuộc SGI Capital đã bán 51% danh mục cổ phiếu, trong đó 3 mã MBB, HPG và VIB bị bán nhiều nhất. Trong tháng 6/2022, Ballad Fund lỗ hơn 5%, đánh dấu 3 tháng thua lỗ liên tiếp. Tính từ đầu năm 2022 đến hết tháng 6, quỹ này lỗ hơn 13%.

Hành động xả hàng của Ballad Fund được thị trường quan tâm, bởi trước đó, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital đã có những nhận định khá lạc quan về thị trường, cho rằng giai đoạn này thích hợp để tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn.

Tuy nhiên, khi thị trường chịu chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thì thường diễn biến quá đà và việc giảm tỷ trọng cổ phiếu của quỹ quy mô nhỏ như SGI Capital cũng là cách thận trọng, giữ kỷ luật đầu tư.

Trong chiến lược hoạt động, Ballad Fund sẽ nhắm tới các doanh nghiệp năng động và hiệu quả nhất của nền kinh tế Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng mạnh trong 3 - 5 năm tới.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6/2022, tỷ trọng cổ phiếu của Ballad Fund giảm xuống dưới 40%, tiền mặt chiếm trên 60%.

Thực tế, mâu thuẫn giữa nhận định và hành động của tổ chức đầu tư không hiếm gặp trên thị trường chứng khoán, chủ yếu do nhận định được đưa ra trước thời điểm có những thông tin buộc họ phải hành động ngược lại. Một nguyên nhân khác là áp lực từ các yếu tố khó lường như tình trạng bán giải chấp (force sell) trên thị trường hay áp lực bởi các cổ đông, nhà đầu tư.

Theo một số chuyên gia, thị trường biến động mạnh nên các nhà quản lý quỹ có thể có những chiến lược giao dịch mới phù hợp hơn cho các giao dịch ngắn hạn hoặc dài hạn, tùy theo cơ cấu đầu tư và mục tiêu của quỹ. Động thái bán ra của Quỹ Ballad Fund vừa qua có khả năng là hoạt động cơ cấu lại danh mục.

Với nhiều quỹ đầu tư và cả nhà đầu tư cá nhân thì việc bán ra cổ phiếu để gia tăng tỷ trọng tiền mặt là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện tại nhằm hạn chế rủi ro trong ngắn hạn, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ hơn để hướng trọng tâm vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng khác.

Cơ hội vàng cho đầu tư dài hạn

Với các quỹ đầu tư lớn như VEIL, LionGlobal Vietnam Fund hay Vietnam Holding, danh mục đầu tư chủ yếu nằm trong nhóm VN30, rộng hơn là VN100. Tại mỗi thời điểm, trong kỳ đầu tư sẽ có các đợt tái cơ cấu, song các cổ phiếu trong rổ tái cơ cấu luôn phải đáp ứng được các chỉ tiêu về vốn hoá, thanh khoản, cũng như các chỉ số cơ bản về doanh nghiệp. Trong báo cáo phân tích của các quỹ, hầu hết đều có góc nhìn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán đang có mức chiết khấu rất tốt, VN-Index giảm 23% so với đỉnh, trở lại mức điểm đầu năm 2011.

Cuối năm 2021, ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund đưa ra dự báo, VN-Index có thể đạt 2.500 điểm vào thời điểm cuối năm 2024, mức giá này tương ứng dự phóng P/E khoảng 16,5 lần. Năm 2022, Pyn Elite Fund kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết là 25% và P/E ở mức 13,7 lần.

Bà Nga nhận định, tuỳ vào mục tiêu của các quỹ, nhưng giai đoạn hiện nay là cơ hội vàng để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ dài hạn.

"Chiến lược của Quỹ duy là trì một danh mục đa dạng, bao gồm một số cổ phiếu mang tính phòng thủ như BWE, REE, NCT, FPT, VNM, SAB, một số công ty hưởng lợi từ xuất khẩu tăng như VHC, một số công ty hưởng lợi từ hồi phục của nền kinh tế như MWG, PNJ. Đối với các cổ phiếu mang tính chu kỳ cao như ngân hàng, bất động sản, VLXD, quỹ nắm giữ các cổ phiếu hàng đầu như MBB, HPG, NLG, VHM", bà Nga chia sẻ.

Mặc dù kết quả kinh doanh tạm lỗ nhưng con số lỗ của các quỹ đầu tư vẫn còn nhẹ nhàng hơn mức lỗ khủng từ 40 - 60% mà nhiều nhà đầu tư cá nhân đang gánh chịu.

Tin bài liên quan