Quỹ đầu cơ: Cuộc chơi của những kẻ bại trận

Quỹ đầu cơ: Cuộc chơi của những kẻ bại trận

Trong cuộc chơi này, chiến thắng không dành cho những kẻ có chiến lược phòng vệ tốt nhất. Chiến thắng thuộc về những người mắc phải ít lỗi lầm nhất và có chi phí hoạt động thấp nhất.

Cơn bão khủng hoảng tài chính đã quét qua những con phố tài chính của London và cả trên phố Wall. Tuy nhiên, trong khi các nhân viên ngân hàng phải gánh chịu "những đòn đau", một số ông trùm quỹ đầu cơ, điển hình như John Paulson, người đã kiếm được hàng tỷ USD từ hoạt động đầu cơ trên thị trường, thậm chí còn nhìn thấy tài sản của họ tăng lên.

 

Một số kênh đầu tư đã trở nên lỗi thời và bị xã hội "ruồng bỏ". Tuy nhiên, các quỹ đầu cơ vẫn luôn được ưa chuộng. Kể từ năm 2009, các nhà đầu tư đã bơm tổng cộng 150 tỷ USD vào các quỹ đầu cơ, khiến ngành này không chỉ vượt qua được khủng hoảng mà còn không ngừng mở rộng qui mô.

 

Theo các số liệu mới nhất, các quỹ đầu cơ hiện đang quản lý số tài sản trị giá 2,1 nghìn tỷ USD, cao hơn so với thời kỳ khủng hoảng bắt đầu xảy ra cách đây 5 năm.

 

Các quỹ hưu trí chính là những nhà đầu tư hoạt động sôi nổi nhất trong lĩnh vực đầu cơ. Để có thể thực hiện những lời hứa trong quá khứ đối với những người thụ hưởng, các quỹ hưu trí đã bơm tiền vào các công cụ đầu tư thay thế với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Một số quỹ hưu trí của Mỹ có dự định đặt tới 15% tài sản trong những năm tới vào các quỹ đầu cơ. Hiện nay, tỷ lệ trung bình chỉ là từ 5 - 10%.

 

Tuy nhiên, dường như người ta đã bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài và thậm chí điều này còn gây khó khăn hơn cho việc điều chỉnh hoạt động của các quỹ đầu cơ. Có rất ít bằng chứng cho thấy quỹ đầu cơ là ngành có khả năng tạo ra siêu lợi nhuận từ khối lượng tiền mặt khổng lồ mà ngành này đang quản lý. Kể cả trước khi khủng hoảng nổ ra, kết quả đầu tư của các quỹ đầu cơ đã ở trong tình trạng không mấy khả quan và giờ đây tình hình còn trở nên tồi tệ hơn.

 

Ông trùm quỹ đầu cơ John Paulson đang dấn sâu vào thua lỗ. Một ông trùm khác là Louis Bacon, ông chủ của quỹ Moore Capital, cũng đang phải hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư do gặp quá nhiều khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận như mong muốn.  Trong khi đó, từ năm ngoái, George Soros, người được mệnh danh là "kẻ phá hủy NHTW Anh" cũng đã phải trả lại hết tiền cho nhà đầu tư.

 

Các ông trùm qũy đầu cơ cho rằng môi trường kinh doanh trong ngành tài chính đang quá khó khăn và đó chính là nguyên nhân gây nên thua lỗ. Đúng là hiện nay lãi suất và tính thanh khoản đang ở mức rất thấp và khiến các cơ hội đầu tư bị hạn chế. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại nằm trong chính bản chất nội tại của các quỹ đầu cơ:  qui mô của các quỹ này quá lớn.

 

Trong khi có vẻ như các quỹ đầu cơ không muốn chấp nhận sự thật là qui mô của các quỹ nên được thu hẹp lại, rõ ràng là có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ hiện tượng này. Qui mô quá lớn dẫn đến những khó khăn trong việc đặt ra chiến lược. Các quỹ khó có thể bơm tiền vào hoặc rút tiền ra khỏi thị trường mà không gây nên biến động lớn về giá.

 

Một vấn đề lớn hơn cần phải lo lắng chính là ngành này đang trở thành "sân chơi của những kẻ thua cuộc". Trong cuộc chơi này, chiến thắng không dành cho những kẻ có chiến lược phòng vệ tốt nhất. Chiến thắng thuộc về những người mắc phải ít lỗi lầm nhất và có chi phí hoạt động thấp nhất. Các quỹ đầu cơ thua lỗ không còn là những "phần tử độc hại" chiếm số lượng nhỏ như thời kỳ những năm 1990 mà đã trở thành hiện tượng phổ biến trên thị trường.

 

Mặc dù tài sản của các quỹ đầu cơ chiếm không đến 10% tổng tài sản của tất cả các loại quỹ trên toàn thế giới, tỷ lệ đang ngày càng lớn dần trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Anh và Mỹ. Thêm vào đó, đây là cuộc chơi có tổng bằng 0 khi lợi nhuận của quỹ này chính là khoản thua lỗ của quỹ kia. Với mức phí giao dịch cao, phần lớn các quỹ đầu cơ chỉ đem lại sự thất vọng.

 

Tồi tệ hơn nữa, đây không phải là vấn đề có thể dễ dàng tìm ra được lời giải. Mặc dù một số "ngôi sao sáng" của ngành này, điển hình như Louis Bacon, có lòng tự trọng cao và không muốn thu hẹp qui mô các quỹ, rất nhiều các quỹ khác bị hấp dẫn bởi cấu trúc phí có khả năng sinh lời quá cao. Kết quả là qui mô của các quỹ không ngừng tăng lên trong khi các nhà quản lý không hề nghĩ đến việc liệu họ có thể sử dụng số tiền đó 1 cách hiệu quả hay không.

 

Vậy thì, đâu là lời giải cho vấn đề này ? Chỉ các nhà đầu tư mới có thể áp đặt được kỷ luật. Một cách khởi đầu khá tốt là kiểm soát chặt chẽ hơn lợi nhuận của các quỹ. Số liệu mà các quỹ đầu cơ cung cấp hiện nay chỉ đơn giản ghi lại lợi nhuận của từng quỹ.

 

Như vậy, khoản lợi nhuận khổng lồ đối với 1 quỹ nhỏ lại được đánh giá ngang bằng với khoản lợi nhuận nhỏ của 1quỹ to. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, các quỹ qui mô nhỏ vốn hoạt động rất tốt trong những năm đầu đang sinh sôi nảy nở. Kết quả là, chỉ số lợi nhuận chung bị san bằng.

 

Một cách khác khá chính xác có thể đánh giá được giá trị đầu tư của 1 quỹ đầu cơ chính là sử dụng cách tiếp cận theo đồng USD, có nghĩa là theo dõi diến biến của đồng USD khi tiền thực sự được đem ra đầu tư. Phương pháp này có thể đo lường lỗ và lãi của các quỹ đầu cơ 1 cách chính xác hơn. Đương nhiên, quy mô của các quỹ cũng cần được tính đến.

 

Hồi đầu năm nay, Simon Lack, một nhà đầu tư quỹ đầu cơ, đã sử dụng phương pháp này để phân tích ngành quỹ đầu cơ thời kỳ những năm 1990. Kết quả thật kì diệu. Lack kết luận rằng đáng lẽ ra nhà đầu tư nên đặt cược vào trái phiếu kho bạc Mỹ với lợi suất chỉ ở mức 2,3%/năm. 98% trong tổng số lợi nhuận mà các quỹ đầu cơ tạo ra đến từ các khoản phí.

 

Sau khi nghiên cứu của Simon Lack được công bố, Hiệp hội quản lý đầu tư thay thế (Alternative Investment Management Association) - cơ quan chủ quản của ngành quỹ đầu cơ, đã cố gắng bác bỏ những lập luận của Lack với bản báo cáo dài 24 trang bẻ ngược từng luận điểm. Tuy nhiên, với những lời lẽ được cho là ngụy biện, bản báo cáo này không những không thể bác bỏ mà còn củng cố thêm được những phân tích của Lack.

 

Có rất nhiều quỹ đầu cơ hoạt động tốt và nhà đầu tư đã ủng hộ họ. Tuy nhiên, không thể khẳng định chắc chắn số lượng các quỹ hoạt động tốt sẽ được nâng lên nếu qui mô tài sản của các quỹ đầu cơ được tăng lên 3 nghìn tỷ USD từ mức 2,1 nghìn tỷ USD như hiện nay.

 

Theo quan sát của nhà đầu tư nổi tiếng Barton Biggs, cuối cùng thì do phải quản lý số tiền khổng lồ cùng với đưa ra mức phí quá cao, các quỹ đầu cơ  sẽ chỉ đem lại sự thất vọng mà thôi.