BCI, NBB, NLG… là những DN đang sở hữu quỹ đất lớn

BCI, NBB, NLG… là những DN đang sở hữu quỹ đất lớn

Quỹ đất lớn, doanh nghiệp niêm yết làm gì để tạo tiền?

(ĐTCK) Quỹ đất sạch lớn, chi phí thấp luôn là lợi thế cạnh tranh đối với các DN sở hữu, nhất là vị trí đất thuận tiện giao thông, kế cận những vùng quy hoạch sẽ là những tài sản tích luỹ tạo nguồn thu tốt trong tương lai. Tuy nhiên, bài toán nợ vay và tồn kho lớn vẫn là áp lực, đè nặng lên nhiều DN.

CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) được biết đến là DN đầu tư kinh doanh bất động sản lớn tại TP. HCM, với tổng quỹ đất phát triển dự án hiện vào khoảng 470 héc-ta.

Khoảng 2 năm gần đây, doanh thu Công ty khá khiêm tốn, lần lượt đạt 350 tỷ đồng và 250 tỷ đồng trong năm 2013, 2014.

Năm 2015, BCI lên kế hoạch doanh thu 381 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng, tăng tương ứng 54% và 23% so với thực hiện năm 2014. Nguồn thu chính đến từ thoái vốn, chuyển nhượng các dự án Đông Tây, Nhất Lan 5, bán một số đất nông nghiệp ở Khu công nghiệp Linh Xuân… và từ một số dự án Phong Phú 4, nền lẻ và chung cư lẻ dự án Nhất Lan 2.

Theo cổ đông BCI, Công ty đang đặt kế hoạch quá thận trọng và hoạt động “dưới mức tiềm năng”.

Tính đến cuối năm 2014, tồn kho của BCI vào khoảng 2.100 tỷ đồng, điều này có nghĩa BCI cần nguồn vốn để có thể phát triển dự án. Chính vì vậy, BCI đã quyết định chia cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền như trước để tài trợ đầu tư, đồng thời rà soát lại các dự án, tái cơ cấu danh mục, bán những dự án không phù hợp để có nguồn tiền tái đầu tư.

Định hướng giai đoạn 2015 - 2017, BCI sẽ tập trung nguồn lực vào hoạt động bất động sản cốt lõi như nhà thấp tầng, chung cư, khu công nghiệp, bất động sản thương mại và đầu tư có chọn lọc nhà ở xã hội vùng ven TP. HCM.

CTCP Năm Bảy Bảy (NBB) hiện có hơn 840 héc-ta đất tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 56 héc-ta đất tại TP. HCM có giá trị cao, gần như hoàn tất công tác đền bù và quỹ đất tại các tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bạc Liêu, Quảng Ninh…) có vị trí đắc địa.

Trong 3 năm trở lại đây, do thiếu nguồn vốn đầu tư, NBB chỉ hoạt động cầm chừng, các dự án mới gần như tạm dừng triển khai do thiếu tiền mặt. Song song đó, NBB chịu tỷ số đòn bẩy cao vì lượt tiền vay nhiều và lãi suất tăng mạnh.

Trung bình từ năm 2010 - 2013, NBB phải thanh toán chi phí lãi vay lên đến 170 tỷ đồng/năm. Do đó, NBB đã tiến hành tái cơ cấu để giảm áp lực nợ.

Tính đến cuối năm 2014, nợ ngắn hạn của NBB là 709,8 tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhận định phân khúc nhà bình dân đang có nhu cầu cao, NBB đã quyết định thiết kế lại dự án City Gate Towers tại TP. HCM bằng cách giảm diện tích căn hộ trung bình từ 90 m2 xuống dưới 70 m2, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của gói cho vay hỗ trợ bất động sản, cũng như để sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Mới đây, NBB thông báo Công ty đã tìm được một nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản - Tập đoàn Creed. Theo đó, Creed Group sẽ hợp tác chặt chẽ với NBB thông qua việc đầu tư cùng lúc vào cổ phiếu, các dự án và trái phiếu chuyển đổi của NBB. Việc hợp tác này đang được kỳ vọng sẽ giúp NBB quay trở lại quỹ đạo và phát triển tốt hơn.

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng đang sở hữu quỹ đất sạch hơn 567 héc-ta, tập trung tại TP. HCM, Long An, Cần Thơ… Kiên định với dòng sản phẩm vừa túi tiền Ehome nên trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, NLG vẫn ghi nhận doanh thu ổn định.

Năm 2015, nhận định phân khúc bình dân vẫn trong tình trạng thiếu cung và nhu cầu đang rất cao, Công ty vẫn tiếp tục tập trung vào thương hiệu sản phẩm vừa túi tiền, mục tiêu bán hơn 2.200 căn hộ.

Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh là từ năm 2015, NLG không chỉ tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm vừa túi tiền Ehome, mà còn đẩy mạnh thương hiệu Flora và Nam Long Home. Trong đó, Ehome là sản phẩm chung cư có giá từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn; Flora là căn hộ có giá dao động từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn; Nam Long Home - sản phẩm nhà phố hoặc vila vừa túi tiền, có giá từ 1,2 - 4 tỷ đồng.

Năm nay, NLG lên kế hoạch doanh thu 1.459 tỷ đồng, tăng 68%, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 179 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi thực hiện năm 2014.

Không phải là DN chuyên về bất động sản, nhưng cũng sở hữu quỹ đất vàng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với gần 300 héc-ta, CTCP Licogi 16 (LCG) kỳ vọng, việc khởi công sân bay Long Thành và cầu nối giữa quận 9 và Nhơn Trạch tới đây sẽ thúc đẩy hoạt động bán hàng ở khu vực này.

Vẫn còn rất nhiều DN đang sở hữu quỹ đất lớn khác, mỗi DN đều định hình một phân khúc thế mạnh để phát triển, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tài sản tiềm năng này lại cần chiến lược kinh doanh phù hợp của DN, kiên định nhưng linh hoạt theo từng giai đoạn thị trường.

Tin bài liên quan