Cùng với đó, nhiều quỹ đầu tư đón nhận những khoản vốn từ 1 triệu đồng và mang đến hiệu quả sinh lợi cao hơn thị trường, khiến nhà đầu tư nghiêng về việc chọn lựa góp vốn vào quỹ, thay vì tự “bơi” trong biển cổ phiếu.
Dấu ấn quỹ mở vượt trên thị trường
Thống kê của Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) cho biết, toàn thị trường hiện có 18 quỹ mở, trong đó có 5 quỹ đầu tư trái phiếu, 4 quỹ cân bằng và 10 quỹ đầu tư cổ phiếu (riêng Quỹ BVPF mới hoàn thành chào bán IPO). Tính đến cuối năm 2016, tổng quy mô các quỹ mở đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2015.
Việc huy động vốn đầu tư của các quỹ mở tăng mạnh năm qua có nhiều nguyên nhân, nhưng BVF cho rằng, có nguyên nhân từ kết quả đầu tư hiệu quả của nhiều quỹ, bên cạnh việc nhà đầu tư dần biết đến và tiếp nhận hình thức đầu tư mới mẻ này.
Bắt đầu từ mức 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể góp vốn vào quỹ mở để thay vì tự đầu tư, phần vốn góp sẽ được quản lý đầu tư bởi một công ty chuyên nghiệp. Sự khởi đầu dễ dàng này cộng với hiệu quả được thực hiện bởi các quỹ năm 2016 đang mở ra cơ hội cho cả 2 phía trong năm mới, sau một giai đoạn dài sản phẩm quỹ không được nhà đầu tư để tâm vì những yếu tố lịch sử của quỹ đầu tư dạng đóng.
Tại Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), kết thúc năm 2016, Quỹ mở VF1 đạt lợi nhuận 19,3% và tính trung bình trong 5 năm gần nhất, Quỹ VF1 đạt lợi nhuận 17,3%/năm. Cũng trong năm 2016, Quỹ VF4 do VFM quản lý có lợi nhuận 16,4%, tính trong 5 năm gần nhất, lợi nhuận của Quỹ đạt bình quân 18,3%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tại Công ty Quản lý quỹ MB (MBCapital), các quỹ đầu tư và danh mục đầu tư do Công ty quản lý có mức tăng trưởng bình quân gần 15% trong năm 2016. Đặc biệt, Quỹ Japan Asian MB Capital có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%, khiến quỹ này trả lợi tức đến 19% cho nhà đầu tư góp vốn. Không chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, kết thúc năm 2016, MBCapital đạt 47,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 8% kế hoạch lợi nhuận đề ra và tăng 15% so với thực hiện năm 2015.
Tại Công ty Quản lý quỹ SSIAM, bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc cho biết, Quỹ mở SSI-SCA tính từ khi thành lập vào tháng 9/2014 đã đạt tăng trưởng NAV/đơn vị quỹ là 43,4%, vượt trội so với tăng trưởng VN-Index là 9,9% trong cùng thời kỳ. Riêng năm 2016 vừa qua, Quỹ tăng trưởng 24,1%, so với mức tăng 14,8% của thị trường.
Cơ hội thay đổi hiện trạng 99% nhà đầu tư chứng khoán là nhỏ lẻ
Ngoài các quỹ đã hoạt động trước đây, năm 2016, TTCK có thêm 2 quỹ mở mới là Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) và Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF), đều được quản lý bởi Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund).
Với sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc gắn các doanh nghiệp đại chúng với lên sàn, năm 2017, con số doanh nghiệp lên sàn có thể cán đích 1.500 doanh nghiệp, khiến cơ hội cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp ngày càng rộng mở.
Loại hình quỹ đầu tư đại chúng có nhiều dư địa phát triển và rất cần được đốc thúc phát triển để góp phần thay đổi hiện trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đến 99% nhà đầu tư trên TTCK hiện nay.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM Trần Văn Dũng từng cho rằng, để thay đổi được một cách cơ bản hiện trạng 99% nhà đầu tư là cá nhân trong 3 - 5 năm tới là không đơn giản, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Thứ nhất, phải thực thi sự minh bạch, vì khi có sự minh bạch thì cơ hội đầu tư là công bằng với tất cả. Khi đó, các nhà đầu tư cá nhân không có điều kiện và kỹ năng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chuyên nghiệp thay mình, ngành quỹ sẽ phát triển.
Thứ hai, cần có chính sách nhất quán và tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, trong đó việc nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi”.
Thứ ba, về trung hạn, cần hình thành các hệ thống quỹ hưu trí, phát triển hơn nữa hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm.
“Có như vậy thì tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư có tổ chức mới được tăng lên và TTCK sẽ phát triển bền vững hơn”, ông Dũng nói.
Thực tế, để thực thi sự minh bạch, đòi hỏi sự thấu hiểu pháp lý và ý thức của các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, cũng như nỗ lực giám sát, xử phạt của nhà quản lý.
Về chính sách phát triển thị trường, Bộ Tài chính đang chuẩn bị tờ trình Chính phủ dự án Luật Chứng khoán mới, với mục tiêu cao nhất là sửa đổi toàn diện để bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, bảo đảm tính công khai, minh bạch, các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Trong điều kiện quy định pháp lý đã mở đường, việc hình thành các quỹ đầu tư mới, nhất là quỹ mở, quỹ hưu trí, giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ thuận lợi hơn trong việc góp vốn đầu tư vào TTCK, chờ đợi sự nỗ lực của các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp và khát vọng.
Khi dòng đầu tư vào quỹ mang lại lợi ích thiết thực cho người góp vốn, tự thân cách đầu tư này sẽ hấp dẫn các dòng vốn đa dạng hiện có, giúp vốn tụ về các tổ chức chuyên nghiệp, đầu tư bài bản và mang lại diện mạo mới cho TTCK Việt Nam.