Thông tin bên lề Hội nghị thường niên các nhà đầu tư VinaCapital năm 2016 cho hay, Tập đoàn VinaCapital chuẩn bị thành lập một quỹ mới, với nhiệm vụ tập trung nghiên cứu đầu tư vào các doanh nghiệp trên sàn UPCoM.
Theo đó, VinaCapital cho biết, dự kiến trong tháng 11/2016, Tập đoàn sẽ thành lập Quỹ Vietnam Special Access Fund (VSAF). Đây là quỹ nội địa dành cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị đầu tư khởi điểm từ 5 triệu USD. Quỹ này sẽ xem xét đầu tư vào các công ty có vốn hóa dưới 50 triệu USD và các công ty tại thị trường UPCoM.
Nhìn nhận về việc thành lập quỹ mới của VinaCapital, một số ý kiến cho rằng, do phải tuân thủ theo chuẩn UCITS, Quỹ VVF (một quỹ khác thuộc VinaCapital) không thể đầu tư vào thị trường UPCoM, nên đã lỡ mất một số cơ hội tốt. Vì vậy, việc quỹ mới được thành lập sẽ mở ra một danh mục cổ phiếu mới, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể tiếp cận những doanh nghiệp tiềm năng, có khả năng tăng trưởng tốt mà chưa niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Hiện VinaCapital đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đang chờ chấp thuận.
Nhìn lại câu chuyện thị trường UPCoM, nếu xem đây là “mảnh đất màu mỡ” chưa khai phá, rất có thể VSAF sẽ mở đầu cho làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức vào UPCoM.
Trước VSAF, hoạt động đầu tư của các quỹ tại UPCoM là vô cùng khiêm tốn. Đối với các quỹ ngoại, một số quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp trên sàn này là Asean Deep Value và AMERICA LLC. Trong đó, Asean Deep Value đang đầu tư vào CTCP Hồng Hà (mã PHH), doanh nghiệp chuyên khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng. Đến cuối tháng 9, Asean Deep Value đã nâng tỷ lệ sở hữu tại PHH lên gần 20%. Ngoài ra, Asean Deep Value còn nắm giữ 14% vốn điều lệ của CTCP Sông Đà Thăng Long, tương đương hơn 2 triệu cổ phiếu STL. Với AMERICA LLC, quỹ này đầu tư vào một loạt doanh nghiệp ngành cấp nước như CTCP Cấp nước Bến Thành (mã BTW), CTCP Cấp nước Gia Định (mã GDW), CTCP Cấp nước Nhơn Trạch (mã NTW)…
Về phía các quỹ và công ty quản lý quỹ nội địa, nhóm này đang đầu tư vào các doanh nghiệp hàng đầu trên UPCoM như Tổng CTCP Đường sông miền Nam (mã SWC), Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX)… Chẳng hạn, CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital) đầu tư vào SWC và từng nắm hơn 10% cổ phần SWC tính đến đầu tháng 5/2016. Tuy nhiên, từ đó đến nay, MB Capital đã dần thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Đến ngày 6/10, MBCapital đã hoàn tất việc thoái vốn tại SWC sau khi bán thỏa thuận toàn bộ gần 5 triệu cổ phần SWC còn lại.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital) - công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (950 tỷ đồng), có khoản đầu tư hơn 200 tỷ đồng tại GEX. Hiện tại, VietinBank Capital nắm 10,25 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 6,61% vốn điều lệ công ty này.
Ngoài 2 cái tên nói trên, một số hoạt động đầu tư của các quỹ và công ty quản lý quỹ khác có thể kể đến như Quỹ Đầu tư khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VVDIF) hiện đang nắm giữ hơn 8 triệu cổ phiếu DDV của CTCP DAP-Vinachem (tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,54%), hay Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (tương ứng tỷ lệ sở hữu 46,18%).
Dù thị trường UPCoM đang tăng trưởng rất nhanh về chỉ số vốn hóa cũng như thanh khoản, tuy nhiên, mức độ quan tâm của nhà đầu tư cũng chỉ tập trung vào lượng nhỏ cổ phiếu chất lượng trên sàn này. Thời điểm quý IV này, khi thông tin hàng loạt tên tuổi lớn sắp gia nhập UPCoM như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Công ty TNHH MTV (ACV), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và mới đây nhất là CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản -Vissan (mã VSN, chính thức giao dịch từ 21/10), nhiều thành viên thị trường đánh giá, đây sẽ là “cú huých” giúp các nhà đầu tư tổ chức dành sự quan tâm rõ ràng cho UPCoM.
Tính đến ngày 15/10/2016 có 345 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 84.250 tỷ đồng, giá trị vốn thị trường đạt 124.350 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 8,29 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 119,88 tỷ đồng/phiên, gấp tương ứng 2,1 lần về khối lượng và 2,07 lần về giá trị so với năm 2015. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng 383 tỷ đồng trong 9 tháng qua trên UPCoM.