Ông Nguyễn Tô An, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng Kiểm Việt Nam) cho hay, để chiều lòng khách hàng, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu, chủ phương tiện đã thay đổi, cơi nới kích thước thùng hàng, bất chấp các quy định về tải trọng.
“Nhiều doanh nghiệp cố tính lách luật bằng cách dùng thùng hàng thấp, thùng hàng có trọng lượng siêu nhẹ để lọt qua cửa cơ quan đăng kiểm. Sau đó, khi sử dụng, họ lại gia cường, lắp thùng hàng khác vào để chở, khiến tải trọng hàng chở tăng gấp vài lần so với mức được phép, gây ra tình trạng quá tải, phá đường”, ông An nói. Bởi vậy, việc chấn chỉnh các quy định hiện hành trong đăng kiểm xe được Cục Đăng kiểm và Bộ Giao thông - Vận tải rất quan tâm, nhằm góp phần xử lý tình trạng xe quá tải.
Dự thảo được Cục Đăng kiểm đưa ra nhắm tới các ô tô tải tự đổ, kể cả loại ô tô tải tự kéo, đẩy, nâng hạ thùng hàng (kiểu Arm Roll Truck, Hook lift Truck), có thùng hàng là kiểu thùng hở; rơ-moóc tải tự đổ; sơ-mi rơ-moóc tải tự đổ; ô tô xi-téc; rơ-moóc xi-téc; sơ-mi rơ-moóc xi-téc, kể cả xi-téc chở hàng rời; ô tô tải; rơ-moóc tải; sơ-mi rơ-moóc tải (trừ các xe ô tô tải van, ô tô pickup chở hàng, ô tô chở hàng chuyên dùng và ô tô chở hàng loại khác được định nghĩa tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271:2003).
Theo đó, kích thước thùng hàng được quy định chi tiết về chiều dài, chiều rộng và chiều cao cho từng loại xe nhằm tránh việc chở hàng quá tải. Dự thảo đề xuất, khối lượng hàng hóa được chở không được lớn hơn khả năng chịu tải lớn nhất của các trục xe theo quy định của nhà sản xuất, đồng thời không được lớn hơn giới hạn tải trọng trục và giá trị khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông nêu trong quy định hiện hành về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ.
Đặc biệt, Dự thảo cũng quy định cụ thể về giới hạn chiều dài toàn bộ của các loại xe và chiều cao của thùng chở hàng các loại xe tải.
Cục Đăng kiểm cũng cho hay, Dự thảo có quy định điều khoản chuyển tiếp với các quy định cụ thể về thời hạn còn hiệu lực của Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã được Cục Đăng kiểm cấp trước thời điểm Thông tư mới có hiệu lực. Như vậy, những sản phẩm mà doanh nghiệp đã thiết kế và đang sản xuất theo thông tư cũ thì vẫn có lộ trình để tiếp tục sản xuất, sau khi Thông tư mới được ban hành. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm cũng đã có công văn thông báo tới các doanh nghiệp cần lưu ý đến lộ trình thực hiện của Thông tư mới để sau này không phải chuyển đổi theo quy định mới.
Góp ý cho Dự thảo, ông Nguyễn Hùng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho biết: “Ngoài đề nghị làm rõ hơn câu chữ liên quan tới các quy định trong Dự thảo, chúng tôi đề nghị phạm vi áp dụng đối với xe có khối lượng toàn bộ trên 10 tấn, vì các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô loại này đã đầu tư chiều sâu về công nghệ, thiết bị và hiện sản lượng chưa đủ lớn để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mới máy móc, thiết bị. Ngoài ra, hiệu lực thi hành nên là sau 90 ngày kể từ khi ban hành Thông tư mới để đảm bảo lộ trình cho doanh nghiệp làm mới hoàn toàn hồ sơ thiết kế, sản phẩm mẫu, thay đổi layout, quy trình công nghệ và tiến hành các thử nghiệm liên quan theo quy định hiện hành”.
Với những xe có kết cấu và kích thước thùng hàng không thỏa mãn yêu cầu của Thông tư mới, thì đề nghị cho phép được sử dụng Giấy chứng nhận cho đến khi hết hạn. Còn các xe đang lưu hành, đã được kiểm định theo đúng quy định trước đây, thì cho phép tiếp tục lưu hành đến hết niên hạn sử dụng, nhưng phải hiệu chỉnh đăng ký trọng tải theo thực tế, đảm bảo tổng trọng tải và tải trọng lên các trục xe đáp ứng đúng quy định hiện hành. “Điều này vừa tuân thủ đúng chủ trương chống xe quá tải, nhưng vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh vận tải được liên tục, tránh lãng phí và gây bức xúc trong dư luận”, ông Minh phân tích.