Vốn tài chính theo chân vốn chiến lược
Từ năm 2014 đến nay, thị trường Việt Nam liên tục chứng kiến các thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD với sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ tiêu dùng, tài chính đến bán lẻ hoặc bất động sản.
Điểm đáng lưu ý là đa phần nhà đầu tư trong các thương vụ chiến lược này đều đến từ các quốc gia lân cận như Hàn Quốc (KB, Lotte, Samsung, Hana), Nhật Bản (Shinsei, Saison, ANA Holdings, JX Nippon), Singapore (Keppel Land, CapitaLand) và Thái Lan (Berli Jucker, Thai Beverage, Central Group, SCG).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại các diễn đàn đầu tư vừa qua tại Singapore và Thái Lan, các quỹ đầu tư cho biết, với cương vị là nhà đầu tư tài chính đơn thuần, họ rất quan tâm đến những chuyển động của dòng vốn M&A do các doanh nghiệp lớn thực hiện.
Cụ thể, theo bà Jarasrak Watanasingha, Phó chủ tịch Quỹ Kasikorn Asset Management, các quỹ đầu tư Thái đều theo dõi sát sao những thương vụ mua bán của “đại gia” như Thai Beverage hay Berli Jucker để đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam.
“Trước đây, đã có nhiều nhà đầu tư tài chính biết đến Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi thấy nhiều doanh nghiệp lớn của Thái Lan tích cực M&A với doanh nghiệp Việt, chúng tôi càng yên tâm rằng thị trường Việt Nam rất có triển vọng để đầu tư”, bà Watanasingha nói.
Được biết, tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đang chiếm 8,6% danh mục đầu tư của Quỹ K-AEC trị giá 25 triệu USD do Kasikorn Asset Management quản lý, một quỹ chuyên đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng tốt trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính tại thời điểm cuối tháng 4/2018, số lượng tài khoản của nhà đầu tư Nhật Bản hiện chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 25.000 tài khoản của tất cả các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam.
Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc mở gần 5.000 tài khoản, tương đương 20%. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư M&A quan trọng của Việt Nam, bên cạnh vị trí á quân và quán quân về dòng vốn FDI hàng năm.
Một quỹ đầu tư Nhật Bản cho biết, người Nhật vốn kỹ tính và vô cùng cẩn trọng, nên các quỹ đầu tư tài chính thường “nhìn ngó” sang dòng vốn M&A, bên cạnh dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam khi cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư.
Chính sách của Chính phủ hai bên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiềm năng các ngành cụ thể tại Việt Nam cũng là các yếu tố cân nhắc.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc ngày càng quan tâm hơn đến Việt Nam nhờ chính sách “phía Nam mới” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in, tạo điều kiện cho dòng vốn M&A lẫn đầu tư tài chính tìm đường đến Việt Nam.
Theo nhận định của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Dragon Capital, nhà đầu tư kỳ cựu tại thị trường Việt Nam, nguồn vốn FDI thường sẽ đi trước, sau đó mới đến các nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư chiến lược.
Nguồn vốn đầu tư chiến lược, hay còn gọi là M&A, thường xác định sẽ ở Việt Nam lâu dài, góp sức cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Vì vậy, đây được xem là một chỉ báo quan trọng cho quỹ đầu tư ngoại vào tương lai dài hạn của thị trường Việt Nam.
Khi các doanh nghiệp Việt, với sự hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài, cải thiện công tác quan hệ nhà đầu tư, sau đó tổ chức IPO, niêm yết hay chào bán riêng lẻ, các quỹ châu Á sẽ tích cực tham gia.
Ông Yeu Huan Lai, chuyên viên quản lý cao cấp tại Quỹ Nikko Asset Management (Nhật Bản) nhận xét rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng làm tốt hơn công tác quan hệ nhà đầu tư và một số thương vụ IPO vừa qua đã tiệm cận chuẩn quốc tế. Các cổ phiếu Việt Nam hiện chiếm 10% giá trị tài sản của Quỹ ASEAN Equity Fund (trị giá 18 triệu USD) do Nikko Asset Management quản lý.
Ông Lai cũng cho biết, Quỹ hiện vẫn đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam trong ngành tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản và du lịch.
Theo nhà đầu tư này, dù P/E (hệ số giá hiện tại trên lợi nhuận của một cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đắt đỏ hơn trước, nhưng vì EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của các doanh nghiệp Việt cũng đang tăng trưởng tốt nên nhà đầu tư vẫn cho rằng cổ phiếu Việt Nam được định giá khá hợp lý.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với các doanh nghiệp bên lề Diễn đàn M&A Việt Nam 2018.
“Hơn nữa, so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN thì P/E của Việt Nam cũng không quá cao”, ông Lai nói và cho biết thêm, nhiều quỹ đầu tư cũng quan tâm đến các sản phẩm tài chính mới của Việt Nam như chứng khoán phái sinh, nhưng tâm điểm của họ vẫn là tiềm năng tăng trưởng của chính các doanh nghiệp trong nước.
Đồng cảm với Việt Nam
Theo quan sát của người viết, điểm thú vị của các quỹ đầu tư châu Á, đặc biệt là các quỹ đến từ Thái Lan chính là sự đồng cảm của họ về câu chuyện phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, theo bà Pikun Phitya-isarakul, chuyên viên đầu tư quỹ cổ phần riêng của Phillip Capital (Thái Lan), thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Thái Lan khoảng 20 năm về trước, đặc biệt là những thách thức về minh bạch, quản trị công ty, công tác quan hệ nhà đầu tư hay trần sở hữu nước ngoài.
“Chúng tôi có lợi thế là nền kinh tế phát triển sớm hơn Việt Nam, các doanh nghiệp đã phát triển từ 60 năm trước, nên chúng tôi thông cảm với những cơ hội và thách thức mà thị trường Việt Nam hiện nay đang trải qua”, bà Phitya-isarakul chia sẻ.
Theo bà Phitya-isarakul, cũng nhờ sự tương đồng này mà Việt Nam có thể học hỏi các thị trường xung quanh, ví dụ như sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (covered warrants) tại Đài Loan hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) của Thái Lan.
Một điểm sáng khác cũng được bà Phitya-isarakul đề cập, là các doanh nghiệp Việt ngày càng nhận thức rõ sự quan trọng của dòng vốn nước ngoài, tạo điều kiện để nhà đầu tư tìm hiểu, quan sát và rót vốn vào doanh nghiệp.
Các quỹ châu Á, cũng như các quỹ ngoại khác luôn đánh giá cao việc doanh nghiệp Việt công bố thông tin chi tiết bằng tiếng Anh và người đứng đầu doanh nghiệp sẵn sàng dành thời gian tiếp xúc với nhà đầu tư.
Còn theo ông Yeu Huan Lai từ Quỹ Nikko Asset Management, sau khi thực thi Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Việt Nam vẫn còn vướng một số vấn đề liên quan đến sở hữu nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực có điều kiện như tài chính - ngân hàng (hiện trần sở hữu ở mức 30%).
Tại Singapore, các ngân hàng tại đây không bị khống chế mức sở hữu của nước ngoài, nhưng bất kỳ quỹ nào mua trên 5% cổ phần đều phải được Chính phủ phê duyệt. Và đây chính là “trần sở hữu vô hình” giúp các nhà băng tại Singapore không dễ bị thâu tóm bởi bất kỳ thế lực nào.
“Việt Nam có thể tìm hiểu và áp dụng quy định của các nước xung quanh để phát triển thị trường nhanh hơn, thu hút được nhiều quỹ từ các thị trường trong khu vực”, nhà đầu tư này chia sẻ.
*Bài viết đã được đăng trên Đặc san 30 năm đầu tư nước ngoài, do Báo Đầu tư phát hành tháng 7/2018