“Không giám sát chặt, khó khả thi”
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)
Việc giao cho CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ) tự trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT, nếu không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giám sát chặt chẽ, thì tính khả thi của quy định mới này sẽ không cao.
Lý do là bởi CTCK, công ty QLQ có thể chỉ trích lập Quỹ theo kiểu chiếu lệ và thể hiện trên báo cáo, còn trên thực tế họ không trích, hoặc có trích, nhưng tùy tiện sử dụng Quỹ vào các mục đích khác nhau theo ý muốn chủ quan, chứ không chỉ sử dụng để bồi thường thiệt hại cho NĐT.
Theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, Quỹ bảo vệ NĐT được quản lý bởi một pháp nhân độc lập tương tự như mô hình Bảo hiểm tiền gửi đối với người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Pháp nhân này sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập trong quản lý và sử dụng Quỹ đúng mục đích.
Dự thảo quy định: quy chế sử dụng Quỹ do HĐQT của CTCK, công ty QLQ ban hành. Số tiền chi trả bồi thường thiệt hại cho NĐT căn cứ vào quy chế sử dụng Quỹ..., trong khi không đưa ra các nguyên tắc cơ bản mà quy chế này cần có, nên dễ dẫn đến tình trạng tổ chức kinh doanh chứng khoán đưa ra các quy định có lợi cho mình, bất lợi cho NĐT.
Dự thảo cũng không đưa ra chế tài trong trường hợp CTCK, công ty QLQ cố tình không bồi thường thiệt hại cho NĐT, nên khó đảm bảo tính khả thi trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NĐT.
“Cần sự vào cuộc của cả 3 nhà”
Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHBS
Việc hình thành Quỹ bảo vệ NĐT, về dài hạn là rất cần thiết cho nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch cho TTCK.
Qua đó, gia tăng niềm tin, sự yên tâm cho NĐT khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK còn khó khăn, việc áp dụng ngay cơ chế trích lập Quỹ sẽ tạo sức ép cho các CTCK vốn đang chịu không ít khó khăn.
Để đảm bảo triển khai Quỹ hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả 3 thực thể quan trọng trên TTCK: NĐT, CTCK và cơ quan quản lý.
Do Quỹ được CTCK trích lập và quản lý, nên trong trường hợp CTCK chẳng may rơi vào tình trạng mất thanh khoản, khó có thể đảm bảo họ sẽ không “tự tay” sử dụng khoản trích lập của Quỹ. Do đó, để bảo vệ mình tốt nhất, thay vì trông chờ Quỹ đền bù, hỗ trợ thiệt hại, điều quan trọng là NĐT cần mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tại các CTCK hoạt động uy tín, minh bạch, để giảm thiểu rủi ro.
Về phía CTCK, cần nâng cao tính tuân thủ trong trích lập và sử dụng Quỹ. Qua đó, góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng cho NĐT khi xảy ra các sự cố không mong muốn.
Để Quỹ bảo vệ NĐT phát huy tối đa mục tiêu tích cực như cơ quan quản lý hướng tới, là bồi thường thiệt hại cho NĐT khi CTCK có sai sót, UBCK cần có cơ chế giảm sát chặt chẽ, đảm bảo Quỹ vận hành đúng mục đích. Tránh tình trạng CTCK nghiêm túc tuân thủ thì chịu thiệt do phải “nhốt” một lượng tài sản vào Quỹ, mà không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, trong khi những đơn vị chỉ trích Quỹ theo kiểu hình thức, lại được hưởng lợi do vẫn sử dụng Quỹ vào các hoạt động trái với mục đích của Quỹ.
“Khoản trích Quỹ nên được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế”
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)
Việc hình thành Quỹ bảo vệ NĐT là cần thiết, nhằm góp phần cải thiện lòng tin của NĐT khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, do số tiền trích vào Quỹ được lấy từ doanh thu hoạt động môi giới của CTCK, nên sẽ tạo ra 2 sức ép đối với CTCK: làm giảm lợi nhuận và một lượng vốn bị “nằm chết” do không được sử dụng vào hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Do đó, nếu áp dụng việc trích Quỹ ngay từ năm tài chính 2014 như dự thảo, sẽ tạo thêm sức ép cho các CTCK trong bối cảnh hoạt động còn khó khăn. Để phần nào giảm bớt sức ép này, dự thảo cần quy định số tiền trích vào Quỹ nên được trừ vào chi phí hợp lý, hợp lệ trước khi tính thuế thu nhập.