Trong tổng số tiền tồn quỹ hơn 183,1 tỷ đồng, số tiền được mang đi gửi ngân hàng lên tới hơn 182,5 tỷ đồng

Trong tổng số tiền tồn quỹ hơn 183,1 tỷ đồng, số tiền được mang đi gửi ngân hàng lên tới hơn 182,5 tỷ đồng

Quỹ bảo vệ người bảo hiểm chờ quy chế đầu tư mới

(ĐTCK) Với mức thu 0,2% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của tất cả các hợp đồng bảo hiểm gốc năm 2016 của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm đã thu được hơn 86 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Tồn quỹ đến thời điểm 30/6/2016 là hơn 183,1 tỷ đồng.

Gửi ngân hàng hơn 182,5 tỷ đồng

Trong tổng số tiền thu được của Quỹ, khối DNBH nhân thọ đóng góp hơn 46,9 tỷ đồng; khối DNBH phi nhân thọ nộp hơn 39,1 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2016, Quỹ ước thu gần 65 tỷ đồng (đó khối bảo hiểm nhân thọ là 31,2 tỷ đồng; khối bảo hiểm phi nhân thọ là hơn 33,6 tỷ đồng).

Theo báo cáo hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm, khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm tính đến 30/6/2016 là hơn 38,652 tỷ đồng. Trong đó, số tiền hơn 30 tỷ đồng thu được từ khối DNBH nhân thọ được gửi vào 5 ngân hàng là BIDV, Vietinbank, Eximbank, Vietcombank và MB. Số tiền hơn 8,6 tỷ đồng thu được từ khối DNBH phi nhân thọ cũng được gửi vào 4 ngân hàng trên, ngoại trừ Eximbank.

Tháng 2/2016, Quỹ đã thực hiện rút khoản tiền gửi hơn 3 tỷ đồng từ Eximbank theo yêu cầu của Hội đồng quản lý quỹ do một số những khó khăn của ngân hàng này và nhập vào Quỹ bảo hiểm nhân thọ. Theo Thông tư 101/2013/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, ngoài mua trái phiếu, nguồn tiền nhàn rỗi từ Quỹ sẽ được dùng để gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, với tỷ lệ không quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi tại một ngân hàng và không vượt quá 50% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ. Bên cạnh đó, ngân hàng gửi tiền phải có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng thanh khoản cao theo Quy chế đầu tư Quỹ. Ngoài ra, Quỹ còn gửi kỳ hạn 1 tháng, với số tiền hơn 11,3 tỷ đồng tại Vietinbank.

Như vậy, trong tổng số tiền tồn quỹ hơn 183,1 tỷ đồng, số tiền được gửi ngân hàng lên tới hơn 182,5 tỷ đồng. 

Chờ Thông tư hướng dẫn quy định đầu tư mới

Theo quy định mới tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được chuyển về cho Bộ Tài chính quản lý, thay vì Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) như trước đây. Bởi vậy, sẽ có những thay đổi về bộ máy Hội đồng quản lý quỹ, Ban điều hành quỹ cũng như Ban kiểm soát quỹ.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm vẫn đang trong quá trình chuyển giao và đang chờ Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định mới, cũng như quy chế đầu tư mới đang trình Bộ Tài chính phê duyệt. Theo quy định hiện hành tại Thông tư 101/2013/TT-BTC, nguồn tiền nhàn rỗi từ Quỹ chỉ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu Chính phủ với số lượng không hạn chế; mua trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh với mức tối đa không quá 5% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một doanh nghiệp và không vượt quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ; gửi tiền tại các ngân hàng thương mại. Hội đồng quản lý quỹ và Ban điều hành quỹ trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư hoặc ủy thác cho các tổ chức được phép kinh doanh đầu tư tài chính, đảm bảo an toàn tài chính theo quy định có liên quan và có trên 5 năm kinh nghiệm.

Trong khi chờ quy chế đầu tư mới, Quỹ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện việc đầu tư theo quy chế đã được thông qua trong 6 tháng cuối năm. Theo thông tin từ Ban điều hành quỹ, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ thực hiện việc gửi tiền vào các ngân hàng thương mại, tuân thủ theo quy định tại Thông tư 101/2013/TT-BTC.                         

Gần 955 triệu đồng ước chi quản lý quỹ năm 2016

Tháng 4/2016, bộ máy của Ban điều hành quỹ tưởng chừng như hoàn tất khi ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, kiêm Trưởng ban điều hành quỹ được bổ nhiệm là chủ tài khoản của Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ của Ban điều hành quỹ. 2 thành viên ban điều hành mới khác cũng được bổ nhiệm hồi tháng 2/2016 là ông Kim Byeong Jun (đại diện của Samsung Vina) và ông Trần Thanh Tú (đại diện Daiichi Life Việt Nam).

Theo phê duyệt dự toán kinh phí chi quản lý quỹ đã được Chủ tịch hội đồng quỹ phê duyệt ngày 24/6/2016, tổng các khoản chi quản lý quỹ trong năm 2016 là gần 955 triệu đồng, trong đó có chi phí vé máy bay trong nước phục vụ họp của Hội đồng quản lý quỹ, Ban điều hành và Ban kiểm soát quỹ, tiền hỗ trợ thuê trụ sở, chi phụ cấp tháng cho các thành viên trong Quỹ… Các khoản chi đã thực hiện đến 30/6/2016 là hơn 113 triệu đồng; tổng số tiền đã trích chuyển quỹ hành chính hoạt động trong 6 tháng đầu năm là hơn 396 tỷ đồng.

Tin bài liên quan