Quỹ bảo toàn giúp bảo đảm an toàn vì sự phát triển bền vững

Quỹ bảo toàn giúp bảo đảm an toàn vì sự phát triển bền vững

(ĐTCK) Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ bảo toàn) là Quỹ tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã (bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã - Co-opBank và các Quỹ tín dụng nhân dân) nhằm hỗ trợ bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Neo an toàn cho hệ thống QTDND

Có thể khẳng định Quỹ bảo toàn đóng một vai trò quan trọng, bảo đảm cho các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Điều đó cũng đã được chứng minh qua kinh nghiệm hơn 100 năm phát triển của QTD Desjardins - Canada và thực tiễn triển khai thí điểm Quỹ an toàn hệ thống tại 3 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và An Giang.

Cũng bởi vậy khi Thông tư 03/2014/TT-NHNN quy định về Quỹ bảo toàn được ban hành đã đáp ứng sự mong chờ của đại đa số QTDND vì đã chính thức tạo lập một thiết chế tài chính nhằm hỗ trợ các QTDND khi hoạt động gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Qua đó, uy tín và vị thế của hệ thống QTDND sẽ được nâng cao trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Để thực hiện đúng quy định của Thông tư 03, HĐQT Co-opBank đã xây dựng dự thảo Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn để trình Đại hội thành viên Ngân hàng hợp tác vào tháng 3/2014 và đã được 100% đại biểu dự Đại hội nhất trí thông qua. 

Đầu tháng 4/2014, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã được thành lập trong đó 04 thành viên là đại diện của Co-opBank, 03 thành viên là đại diện của các QTDND. Ban quản lý Quỹ bảo toàn cũng nhanh chóng nhập cuộc với việc xây dựng và ban hành các Quy chế làm việc của Ban quản lý, quy định nội bộ, xây dựng hệ thống tài khoản, hình thành bảng cân đối tài khoản kế toán và mở tài khoản riêng đến từng QTDND tham gia Quỹ bảo toàn.

Qua đó, việc theo dõi hoạt động của Quỹ bảo toàn, báo cáo tình hình và số liệu hoạt động lên Co-opBank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các thành viên rõ ràng, minh bạch theo đúng quy định của Thông tư 03 và hướng dẫn của Co-opBank. 

Đóng phí là để hướng đến mục tiêu an toàn và phát triển bền vững

Liên quan đến mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn hàng năm 0,08%, tại văn bản số 7628/NHNN-TTGSNH của NHNN Việt Nam về việc xử lý kiến nghị của các QTDND nêu rõ: Mức trích nộp Quỹ bảo toàn hệ thống 0,08% không ảnh hưởng nhiều tới chi phí tài chính của QTDND trừ những QTDND vốn đã có kết quả kinh doanh thua lỗ. Mức đóng góp phí này tạo nguồn vốn để hỗ trợ cho các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả trong hoạt động.

Việc quản lý điều hành Quỹ bảo toàn được thiết kế bộ máy hoạt động, hệ thống tài khoản và bảng cân đối tài khoản riêng rẽ, độc lập với hoạt động của Co-opBank. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của Quỹ bảo toàn và vai trò của Co-opBank trong việc đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của hệ thống QTDND. Trong quá trình triển khai Thông tư 03, Co-opBank, các QTDND và Quỹ bảo toàn chịu sự kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp hành quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật.

Thực tiễn đã khẳng định việc an toàn trong hoạt động để phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng hàng đầu vì thế mức đóng phí 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề (dư nợ nhóm 1 và nhóm 2) là hợp lý. Chỉ khi nào tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn đạt 1,5 lần tổng tài sản có của hệ thống TCTD là hợp tác xã, Quỹ bảo toàn sẽ tạm thời ngừng thu phí tham gia của các thành viên và tiếp tục thu phí khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn thấp hơn mức nêu trên. Trong tương lai khi Quỹ bảo toàn đủ lớn và đủ khả năng hỗ trợ xử lý rủi ro, Co-opBank sẽ tham mưu và đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét miễn, giảm phí bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống QTDND.

Hiểu rõ mục tiêu của Quỹ bảo toàn, phần đông các QTDND đều rất nhiệt tình tham gia. Theo đó, tính đến ngày 31/03/2015 đã có 751/1.146 QTDND và Co-opBank nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn năm 2014. Trong quá trình thực hiện, một số QTDND đã nộp quá số phí đã thông báo, thậm chí có QTDND nộp 2 lần đã được Ban quản lý Quỹ bảo toàn hoàn trả lại.

Như vậy, loại trừ 13 QTDND thuộc diện không phải nộp phí theo quy định, còn 382 QTDND chưa nộp phí bảo toàn năm 2014 và hiện vẫn đang tiếp tục nộp phí về Quỹ bảo toàn.

Ban quản lý Quỹ bảo toàn cũng đã tiếp cận những QTDND gặp khó khăn, đáp ứng đủ điều kiện vay vốn từ Quỹ bảo toàn theo quy định để tư vấn, hướng dẫn các thủ tục về tiếp nhận vốn vay hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn.

Bên cạnh đó, Co-opBank tham mưu với Ngân hàng Nhà nước, tư vấn QTDND gặp khó khăn để tham gia về nội dung, biện pháp triển khai có hiệu quả phương án củng cố, chấn chỉnh đưa QTDND đó trở lại hoạt động bình thường nhằm góp phần xây dựng hệ thống QTDND phát triển mạnh mẽ, ổn định, an toàn và bền vững. 

Tin bài liên quan