Năm 2017, giới trẻ trên khắp thế giới đồng loạt phản đối triệu phú bất động sản trẻ tuổi người Australia Tim Gurner vì ông chê trách "thế hệ thiên niên kỷ" (những người sinh ra đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) "chi tiêu 40 USD mỗi ngày cho bơ dầm và cà phê" mà vẫn mơ mua nhà.
Tại Hàn Quốc, một thế hệ trẻ chán nản đang xem tiêu xài không cần nghĩ ngợi như một công cụ sinh tồn về mặt tâm lý, còn được biết đến dưới khái niệm "shibal biyong".
Với nghĩa nôm na là "chi tiêu đề giải tỏa stress", thuật ngữ này được kết hợp giữa từ "shibal" (một từ chửi thề) và từ "biyong" (chi tiêu). Thuật ngữ "shibal biyong" xuất hiện vào cuối năm 2016 và dòng tweet đầu tiên chứa nó ám chỉ "một khoản chi tiêu mà tôi sẽ không thực hiện nếu tôi không bị stress". Dòng tweet lập tức gây chú ý và thuật ngữ "shibal biyong" đã được một số tờ báo Hàn Quốc bình chọn là "từ mới của năm".
"Shibal biyong" được hiểu là khoản chi tiêu dường như không cần thiết nhưng giúp người ta vượt qua một ngày tồi tệ. Ví dụ như việc ai đó bỏ ra 20 USD để đi taxi về nhà thay vì đi tàu điện ngầm sau khi không được đề bạt hoặc thưởng thức món sushi đắt tiền sau khi bị ông chủ quở trách.
Theo nhà phân tích Jeongmin Kim, học giả khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Seoul, "thuật ngữ trên ngụ ý rằng bạn có thể tự làm mình vui vẻ ngay lập tức khi các triển vọng trong dài hạn có vẻ ảm đạm. Mua một chiếc áo khoác đẹp vì bạn sẽ không giờ mua được nhà với đồng lương còm cõi. Ăn món bò bít tết vì bạn sẽ không bao giờ dành dụm đủ tiền để nghỉ hưu".
Thuật ngữ "shibal biyong" không tự nhiên xuất hiện. Thuật ngữ này có độ nhạy cảm tương đương với các cụm từ như "geumsujeo" (thìa vàng: Ám chỉ những người sung sướng từ nhỏ vì sinh ra trong các gia đình giàu có) hay "hell Joseon" (Hàn Quốc địa ngục: Thuật ngữ được giới trẻ Hàn Quốc sử dụng để mỉa mai các điều kiện kinh tế xã hội quá khó khăn đối với họ).
Những thuật ngữ như vậy trở nên quen thuộc cách đây vài năm, được giới trẻ Hàn Quốc dùng như một cách để bày tỏ sự tuyệt vọng, những người thấy rằng cuộc sống ở nước mình quá khắc nghiệt, vượt quá sức chịu đựng, bởi nó dường như được vận hành để mang lại lợi ích cho những người sinh ra trong các gia đình giàu có hay đủ giàu để định cư ở nước ngoài.
Theo khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, trong năm 2015, 7 trong 10 thanh niên Hàn Quốc tin bất bình đẳng thu nhập là một vấn đề lớn. Theo dữ liệu mới nhất, trong 36 nước thành viên Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31 về bất bình đẳng thu nhập.
Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1999. Một phần của vấn đề bắt nguồn từ các chaebol, tức những tập đoàn gia đình khổng lồ, đang độc quyền thống trị hầu hết nền kinh tế Hàn Quốc, bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nghiệp, khiến giới trẻ không còn đường nào khác ngoài việc phải cạnh tranh để xâm nhập thế giới việc làm được vận hành theo trật tự và mức độ thâm niên ở các chaebol.
Bất bình đẳng thu nhập và cảm giác tuyệt vọng kinh tế đã tác động nặng nề đến sức khỏe tâm thần của thanh niên Hàn Quốc. Gần 50% các trường hợp tử vong của những người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 là do tự tử, trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 20%. Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cũng nằm ở vị trí cao nhất trong số các nước thành viên OECD trong giai đoạn 2003-2016.
Theo một cuộc khảo sát năm 2017, khoản chi tiêu tối đa thường xuyên mà người Hàn Quốc bỏ ra theo nghĩa "shibal biyong" là 90 USD. Kể từ năm 2014, tại Hàn Quốc, mức tăng tiêu dùng cá nhân ở thế hệ thiên niên kỷ nhanh gấp đôi so với thế hệ baby boomer (sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1963). Với tốc độ chi tiêu như vậy, vào năm 2020, trung bình một người trẻ Hàn Quốc sẽ chi tiêu số tiền cao hơn một người ở thế hệ baby boomer, dù thu nhập kém xa.
Đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc, các khoản tiêu dùng ngắn hạn trở thành một sự lựa chọn hợp lý để tận dụng tối đa giá trị của đồng tiền dựa trên đánh giá thực tế về tương lai.
Cuộc khảo sát năm 2018 của Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia ở Seoul cho thấy 46% thanh niên Hàn Quốc tin rằng họ hoặc phải mất 20 năm dành dụm để mua một căn nhà hoặc thậm chí là không bao giờ mua được.
Ở đại đô thị Seoul, nơi gần 50% dân số Hàn Quốc đang sinh sống, giá nhà đã ngang bằng với New York, Mỹ, dù mức thu nhập của người dân không thể sánh bằng. Nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ Hàn Quốc bắt đầu né tránh các phương án đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu vì không tiết kiệm đủ tiền hay vì họ nghĩ rằng mức sinh lãi có thể không theo kịp với chi phí ngày càng gia tăng.
Khách mua sắm ở quận Myeongdong, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP.
"'Shibal biyong' và 'tangjinjaem' (niềm vui tiêu xài hoang phí) là động thái mang tính biểu tượng để phản ứng trước các vấn đề xã hội thông qua tiêu dùng cá nhân", giáo sư Alex Taek-Gwang Lee từ Đại học Kyung Hee, Seoul, nhận định. "Khi tiền tiết kiệm không thể bảo đảm cho tương lai như trước đây, quan niệm tiêu xài không cần biết đến ngày mai càng được nhiều người ủng hộ".
Mạng xã hội là động lực khác đằng sau hiện tượng "shibal biyong". Hàn Quốc có mức phổ cập Internet và sở hữu điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Hầu hết thanh niên thế hệ thiên niên kỷ sử dụng các nền tảng như Instagram, Facebook, hay Kakao Talk, nơi các hoạt động tiêu dùng xa xỉ để nâng cấp danh tiếng bản thân được tán tụng và nơi các chi tiêu để giải tỏa stress nhận được sự ủng hộ.
Giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc cần nghiêm túc quan tâm đến những mối lo lắng của giới trẻ, thay vì bài bác họ như là thế hệ chạy theo xu hướng nuông chiều bản thân.
Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho hay trong số những người đi làm, nhóm người ở độ tuổi 20 có mức điểm kém nhất về thái độ tài chính dù họ có trình độ kiến thức tài chính cao nhất trong mọi nhóm tuổi lao động.
Để ứng phó vấn đề trên, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc gợi ý chính phủ nên thông qua các chính sách giúp "nuôi dưỡng những giá trị đúng đắn khi giới trẻ ngày nay quá chú trọng việc hưởng thụ".
Song những lập luận như vậy không nắm bắt đúng trọng tâm vấn đề. Việc tiêu xài để giải tỏa stress dựa trên niềm tin rằng những chính sách mới của chính phủ không đủ sức chấn chỉnh các vấn đề mang tính hệ thống của nền kinh tế. Người Hàn Quốc chi tiêu hoang phí không phải do thiếu hiểu biết, mà bởi họ tin rằng niềm vui nhỏ ở hiện tại còn tốt hơn nhiều so với hạnh phúc xa vời của tương lai có thể không bao giờ với tới.
"Chỉ khi chính phủ thực hiện những biện pháp khiến họ tin rằng sự sung túc trong tương lai là điều có thể đạt được, lúc đó việc tiết kiệm mới là điều có lý", nhà phân tích Jeongmin Kim bình luận.