Với việc Trung Quốc chiếm tới 40% GDP của các nền kinh tế mới nổi, mọi biến động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều tạo tác động lan tỏa lên toàn khu vực này.
Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ (CNY) liên tục mất giá so với USD trong thời gian gần đây, giới đầu tư thường có động thái bảo vệ bản thân trước rủi ro bằng cách chuyển sang nắm giữ các tài sản bằng đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những nguy cơ lớn khi nhân dân tệ nhanh chóng lao dốc so với USD, khiến các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn. Chưa kể, đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi cũng có chuyển động khó dự đoán trước bước đi của nhân dân tệ.
Bất chấp nỗ lực của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong việc kiềm chế đà lao dốc, đồng nhân dân tệ vẫn đi xuống, với tỷ giá CNY/USD đã quay lại ngưỡng đạt được vào tháng 4/2007, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra.
Diễn biến này gây bất lợi cho các khoản nợ bằng USD của doanh nghiệp, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Khối nợ của các doanh nghiệp Đại lục đang gia tăng trong những năm gần đây, đi kèm với đó là “làn sóng” phá sản, không đủ khả năng trả nợ.
Tình trạng này sẽ càng căng thẳng khi nhân dân tệ mất giá, trong đó, khối doanh nghiệp bất động sản chịu tác động nặng nề nhất, bởi đây là đối tượng sở hữu nhiều khoản nợ bằng USD, trong khi bán bất động sản cho người mua bằng nhân dân tệ.
Xu hướng vỡ nợ có thể tạo "tác động domino" khi các doanh nghiệp bất động sản không đủ khả năng trả nợ cho các chủ nợ, đa phần là ngân hàng.
Tại thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Đại lục góp mặt tại khá nhiều chỉ số của MSCI kể từ năm ngoái. Tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc tại Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần từ chưa tới 1% lên khoảng 3,3% vào cuối năm 2019.
Các nhà đầu tư theo dõi chỉ số thị trường mới nổi sẽ nhận thấy, diễn biến xấu của kinh tế Trung Quốc nói chung và chứng khoán nói riêng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của mình.
Bên cạnh đó, với 1,3 tỷ dân, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ từ các thị trường mới nổi.
Đây là điểm đến lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu không chỉ từ các nước châu Á, mà còn từ các quốc gia như Brazil, Australia. Thực tế, các nhà xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu thô là những người đầu tiên cảm nhận nỗi đau khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Trung Quốc đã nâng cao vị thế đối với nền kinh tế toàn cầu kể từ giữa giữa năm 2015 cho tới nay.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ước tính tới tháng 4/2019, GDP của Trung Quốc đạt giá trị 14,2 nghìn tỷ USD, lớn hơn so với mức 13,6 nghìn tỷ USD của khu vực châu Âu và chỉ sau nước Mỹ với GDP đạt 21,3 nghìn tỷ USD.
Trong bối cảnh này, giới đầu tư cần cân nhắc vị thế của mình khi đổ vốn vào tài sản tại Trung Quốc nói riêng và các thị trường mới nổi nói chung.