Cáo trạng cho biết, tháng 12/2013, Tư quen biết chị Nguyễn Thị Q., giáo viên tiểu học. Tư nói với chị Q. có người quen ở Sở Nội vụ Hà Nội có suất vào viên chức nhà nước, không phải thi tuyển, chi phí 100 triệu đồng. Do tin tưởng, chị Q. đưa tiền cho Tư.
Nhận tiền, Tư khai đưa cho Phạm Thị Tâm (SN 1982), là em cùng cha khác mẹ số tiền 95 triệu đồng nhờ làm giả quyết định của UBND huyện Thạch Thất về việc tuyển dụng và phân công chị Q. nhận công tác. Tháng 7/2014, Tư gọi cho chị Q. đến nhà đưa 2 quyết định trên và dặn chờ có quyết định mới thì đi làm.
Nghi ngờ quyết định giả mạo, chị Q. hỏi lại thì Tư lý giải, vì là suất chen ngang nên có mẫu trên.
Vài ngày sau, Tư gọi chị Q. đến nhà làm hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, đơn xin chuyển công tác và quyết định của UBND huyện Thạch Thất đồng ý thuyên chuyển công tác viên chức. Cầm bộ hồ sơ trên, Tư chuyển cho Tâm mang đến nhà Phó phòng Nội vụ huyện Quốc Oai nhờ giúp đỡ.
Do không biết hồ sơ giả, UBND huyện Quốc Oai ra quyết định tiếp nhận và điều động viên chức đối với chị Q. về dạy học tại trường tiểu học từ ngày 1/9/2014. Sau đó, Tư tiếp tục yêu cầu chị Q. đưa thêm 3,2 triệu đồng cảm ơn.
Sau khi tiếp nhận, UBND huyện mới phát hiện quyết định không hợp lệ, nên đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Cơ quan điều tra trưng cầu giám định thì phát hiện các quyết định thuyên chuyển cán bộ là giả mạo. Tháng 3/2015, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt giữ Phạm Thị Tư về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Quá trình điều tra Phạm Thị Tâm không thừa nhận việc làm giả như Tư đã khai nhận. Do Tâm xuất cảnh ra nước ngoài nên không đủ căn cứ kết luận.
Từ tháng 5/2013 đến khi bị bắt, Tư nhiều lần làm giả các quyết định, tài liệu, đóng dấu chiếm đoạt tiền của 6 bị hại tổng số tiền là 850 triệu đồng.