Quốc hội và nghị quyết phòng, chống Covid-19: Giải pháp chưa có tiền lệ

0:00 / 0:00
0:00
Chiều nay (28/7), Quốc hội khóa XV sẽ thông qua nghị quyết chung, trong đó cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới là giải pháp chưa có tiền lệ.
Covid-19 đã đẩy cả thế giới vào khó khăn chưa từng có tiền lệ và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Covid-19 đã đẩy cả thế giới vào khó khăn chưa từng có tiền lệ và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Nội dung này mới được trình Quốc hội sáng 23/7, khi Kỳ họp thứ nhất đã đi được nửa chặng đường. Trong khi trước đó, quá trình chuẩn bị kỳ họp này, từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 6/2021, Chủ tịch Quốc hội hơn một lần nhấn mạnh rằng, phải "chốt" nội dung kỳ họp ở thời điểm đó, vì không còn thời gian để điều chỉnh, bổ sung các nội dung khác nữa.

Nhưng Covid-19 đã đẩy cả thế giới vào khó khăn chưa từng có tiền lệ và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thế nên, sự ngoại lệ đầu tiên dễ dàng được 100% đại biểu có mặt bấm nút tán thành: bổ sung ngay vào chương trình kỳ họp đề xuất của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19.

Sáng bấm nút đồng ý, chiều nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, ngay hôm sau tham gia thảo luận.

Chắc chưa có chính sách nào được xem xét “thần tốc”, trách nhiệm như thế. Song, đáng nói hơn, là các giải pháp chưa có tiền lệ của nội dung được bổ sung một cách ngoại lệ đó.

Quốc hội khoá trước từng xem xét, từng quyết định cơ chế đặc thù cho một vấn đề, một địa phương hay một dự án nào đó, nhưng ở đề xuất lần này, nếu Quốc hội thông qua, nghĩa là Chính phủ được chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, Chính phủ được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật định để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Đây là giải pháp chưa có tiền lệ - như lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định trước Quốc hội.

Ngay khi Chính phủ có tờ trình ban đầu, các ủy ban chức năng của Quốc hội hối hả tham gia thẩm tra, kể cả làm việc ban đêm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp tốc họp ngay khi Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình kỳ họp. Đại biểu tranh thủ nghiên cứu tài liệu để tham gia ý kiến ngay ngày hôm sau.

Nhưng không chờ đến ngày hôm sau, mà ngay từ khi thông tin về tờ trình của Chính phủ được công bố, cử tri và nhân dân đã dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi bên ngoài Nhà Quốc hội, “dịch đang bùng như lửa cháy bằng xăng, chắc chắn cuộc chiến này sẽ còn nhiều cam go lắm” như lời đại biểu - bác sỹ Nguyễn Anh Trí trước nghị trường.

Trên trang cá nhân, một số cử tri bày tỏ, biện pháp nào bảo vệ dân, nhất là trong tình trạng khẩn cấp thì dân ủng hộ.

Dân ủng hộ đề xuất của Chính phủ, thì những người đại diện cho dân có trách nhiệm hiện thực hoá sự ủng hộ này. Như một đại biểu đã phân tích, Covid-19 là “kẻ địch” vô hình và vô cùng nguy hiểm, biến đổi khôn lường hết chủng này đến chủng khác. “Kẻ địch” này có thể tấn công bất cứ nơi đâu, bất cứ người nào, đánh chiếm bất cứ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Và ở thời chiến, mọi hành động, mọi quyết sách cần phải quyết liệt, quyết tâm cao, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ. Việc Quốc hội xem xét, quyết định biện pháp chưa có tiền lệ để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch là hết sức cần thiết, mang ý nghĩa chính trị, pháp lý rất cao.

Ngày hôm nay, nếu nghị quyết chứa đựng giải pháp chưa có tiền lệ nói trên được đa số đại biểu tán thành, cũng có nghĩa, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đã trao cho cơ quan hành pháp “thượng phương bảo kiếm”. Như vậy, Quốc hội đã tin vào sự liêm chính của Chính phủ, vào sự ngay thẳng và hiệu quả mỗi khi “bảo kiếm” được vung lên.

Dù thế, Quốc hội cũng không thể quên đi chức năng giám sát tối cao của cơ quan đại biểu cao nhất vì thẩm quyền càng lớn, thì sự lạm dụng (nếu có) càng nguy hiểm.

Bởi vậy, có lý do để cơ quan tham gia thẩm tra nhấn mạnh rằng, cần có sự kiểm soát của Quốc hội thông qua cơ chế yêu cầu Chính phủ báo cáo việc áp dụng và kết quả thực hiện những biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật định với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đồng thời, việc giao quyền này phải được giới hạn trong khoảng thời gian nhất định, cụ thể là hết năm 2022.

Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này, dự kiến đến giữa năm 2022, sẽ hoàn thành việc tiêm chủng toàn dân, tạo lập được miễn dịch cộng đồng, nên cơ bản sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh, các luật có liên quan cũng có thể sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Lo lắng là điều không tránh khỏi, nhưng không đại biểu nào nghi ngờ sự cấp thiết của giải pháp chưa có tiền lệ để ứng phó với đại dịch tai quái có tên là Covid-19. Song, mọi giải pháp dù hoàn hảo đến đâu, thì điều quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện.

Không ai khác, những nhân sự nhiệm kỳ mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp này chính là nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi kế hoạch, giải pháp đã được Quốc hội bấm nút thông qua.

Vì thế, cũng có thể nói rằng, việc Quốc hội cấp tốc thông qua giải pháp chưa từng có tiền lệ cũng chính là sự tin tưởng vào những người đóng vai trò quyết định trong thực hiện giải pháp này, đặc biệt là Chính phủ nhiệm kỳ mới. Một chính phủ luôn truyền đi thông điệp đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, khi đất nước căng mình chống dịch, như hôm nay.

Tin bài liên quan