Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) sáng 12/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) sáng 12/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Quốc hội "tinh gọn" 58,4% nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Rút gọn 53% số chương và 58,4% số điều so với luật cũ

Sáng 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khoá XV (dự kiến diễn ra từ ngày 12 - 19/2/2025), thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật...

Đồng thời, việc sửa Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành bên cạnh nội dung về xây dựng VBQPPL.

“Luật này quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Ninh nhấn mạnh, đồng thời cho hay, thống nhất giữ quy định Luật hiện hành về việc không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

Sau sửa đổi, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều; giảm 9 chương, tương ứng giảm 53% số chương; giảm 101 điều, tương ứng giảm 58,4% số điều so với Luật năm 2015.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tập trung 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.

Một là: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy;

Hai là: Bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm tại Điều 14;

Ba là: Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội: theo hướng xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ, chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội với tính chất linh hoạt cao;

Bốn là: Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL;

Năm là: Dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật;

Sáu là: Dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL;

Bảy là: Dự thảo Luật bổ sung quy định về các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng VBQPPL.

Quốc hội bàn về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sáng 12/2
Quốc hội bàn về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sáng 12/2

Đề nghị rút gọn quy trình soạn thảo đối với dự án đã thực hiện quy trình xây dựng chính sách

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành VBQPPL với các lý do và cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Về nội dung, Ủy ban Pháp luật ghi nhận, dự thảo Luật giảm 101 điều so với Luật hiện hành song phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn, bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó, Uỷ ban đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được Quốc hội xem xét, thông qua tại cùng kỳ họp.

Về tham vấn chính sách, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định rõ chủ thể tổ chức hội nghị tham vấn chính sách là cơ quan lập đề xuất chính sách; nghiên cứu mở rộng hơn đối tượng được tham vấn chính sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả tham vấn.

Về thông qua và điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm (Điều 25 và Điều 26), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về quy trình thông qua Chương trình lập pháp hằng năm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị để bảo đảm tính chuyên nghiệp, chặt chẽ của quy trình thì nên quy định việc “thẩm tra” thay cho việc “rà soát, đề xuất” ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục kế thừa Luật hiện hành, bổ sung quy định về trách nhiệm của UBTVQH trong việc triển khai Chương trình lập pháp; bổ sung quy định đối với dự án do UBTVQH trình thì Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời hoặc phân công một cơ quan của Quốc hội chủ trì thẩm tra.

Về các trường hợp thực hiện quy trình xây dựng chính sách (Điều 27), mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về 3 trường hợp phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách là đối với các dự án luật, nghị quyết lớn, mới, quan trọng, quy định việc thực hiện thí điểm; còn các dự án khác, trong trường hợp có chính sách mới sẽ được xây dựng, đánh giá lồng ghép trong quy trình soạn thảo.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đối với trường hợp xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 cũng phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách do văn bản này chứa đựng nhiều chính sách mới, khó, cần được đánh giá kỹ lưỡng.

Đối với quy định về quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát để có thể quy định gọn hơn quy trình soạn thảo đối với dự án đã thực hiện quy trình xây dựng chính sách để tránh trùng lặp về quy trình, thủ tục, góp phần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng văn bản.

Về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng luật, nghị quyết, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong quy trình xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo luật, nghị quyết.

Ví dụ như lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng chính sách, tổ chức soạn thảo; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, nghị quyết trước khi cơ quan trình chính thức trình dự án; tăng thời gian thảo luận tổ về dự án luật, nghị quyết trong kỳ họp để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng và cơ quan trình tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường…

Về việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, điểm a khoản 2 Điều 67 của dự thảo Luật quy định: “Đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đã trình Quốc hội, UBTVQH…, Đảng ủy Quốc hội có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định nêu trên của dự thảo Luật thể chế hóa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, nhưng quy định này tương thích với quy trình của Luật BHVBQPPL hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra giúp UBTVQH nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã chuyển trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý cho cơ quan trình, do đó, đề nghị quy định theo hướng tổ chức đảng của cơ quan trình có trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề lớn của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Sáng cùng ngày, ngay sau khi Chính phủ trình Tờ trình và Uỷ ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Quốc hội đã họp tổ để thảo luận về dự án Luật này.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự thảo Luật sẽ được thảo luận ở hội trường vào chiều 13/2 và được thông qua vào sáng 19/2, trước khi bế mạc Kỳ họp.

Tin bài liên quan