Sáng nay (11/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 88,02% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Trước khi thông quan toàn bộ Nghị quyết, Quốc hội đã thông qua 12 chỉ tiêu chủ yếu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 87,37% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020 gồm:
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%;
2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%;
4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;
5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;
6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%;
8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%;
9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;
10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%;
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%;
12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Quốc hội cũng xác định mục tiêu tổng quát cho năm 2020 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ, trong năm 2020, tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tối đa hóa lợi ích nhà nước; xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả…
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài.
Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có chính sách đột phá phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao…