Theo ông Võ Văn Trung ,Tòa án quân sự Khu vực 1 (Quân khu 9), trong nền kinh tế thị trường, không ít tổ chức kinh tế - pháp nhân thương mại, vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng như buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, môi trường, tài nguyên…
"Thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua đã cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân thương mại vi phạm tỏ ra bất cập, kém hiệu quả", ông Trung nhận định.
Tại Chương XIX "Các tội phạm về môi trường, BLHS năm 2015 quy định 09 tội mà pháp nhân thương mại phải chịu Trách nhiệm hình sự, gồm các điều luật quy định tại khoản 2 Điều 76 BLHS năm 2015 quy định: “Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại)”.
Đây là những tội mà thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua đã diễn ra rất phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại đối với xã hội, với nhân dân do pháp nhân gây ra là rất lớn.
Trong sửa đổi Luật Hình sự 2015 lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm nhiều tội trong trường hợp các hình phạt là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến bộ, ngành về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 của Bộ Tư pháp trình Quốc hội đã bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, đồng phạm, phạm tội có tổ chức, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9, 17, 27, 29 và 53 của BLHS năm 2015).
Bổ sung vào Điều 86 của BLHS năm 2015 nội dung quy định về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, trong đó có hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cũng như trường hợp các hình phạt đã tuyên đều là đình chỉ hoạt động có thời hạn về cùng một lĩnh vực để bảo đảm bao quát các trường hợp, tạo thuận lợi cho việc áp dụng quy định này trên thực tế.
Bổ sung vào Điều 89 của BLHS năm 2015 nội dung quy định về xóa án tích cho pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực, theo đó, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 05 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.