Đa số ý kiến cho rằng cần thiết xây dựng và ban hành luật. Qua hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi ngày càng cao.
Mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.
“Tôi đồng tình cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, việc bảo vệ bí mật nhà nước cũng là bảo vệ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) bày tỏ.
Nhận định nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định về quyền cơ bản của công dân và các quy định khác để bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
“Công tác bảo vệ bí mật nhà nước hết sức quan trọng, song các quy định của dự luật được xây dựng phải bảo đảm không tách rời quyền và lợi ích của công dân đã được Hiến pháp quy định”, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu quan điểm.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật có nhiều nội dung kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, một số nội dung quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước đã có sự thay đổi căn bản trong điều kiện khoa học công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc.
Do đó, các quy định về công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, nhất là việc xác định phạm vi danh mục bí mật nhà nước, các biện pháp, phương pháp, công cụ để bảo vệ bí mật nhà nước cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong Luật để bảo đảm tính khả thi.
Có ý kiến cho rằng, để công tác quản lý có hiệu quả và xác định biện pháp bảo vệ phù hợp, cần bổ sung các quy định về hình thức thể hiện thông tin bí mật nhà nước như tài liệu, vật thể, lời nói…, trên cơ sở đó xây dựng các chương, mục quy định về quản lý bí mật nhà nước phù hợp với hình thức thể hiện thông tin bí mật nhà nước.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị dự thảo cần quy định, xác định cụ thể tiêu chí, mức độ nguy hại đến lợi ích quốc gia và dân tộc.
Đồng thời làm rõ căn cứ xác định về phạm vi thuộc danh mục bảo vệ bí mật nhà nước, căn cứ xác định tài liệu nào thời gian bảo vệ là 10 năm, 20 năm,... và vĩnh viễn.
Còn đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhấn mạnh, các quy định được xây dựng trong dự luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, báo chí;...
Cùng với đó, phải giải thích rõ khái niệm, các tiêu chí, căn cứ để xác định thế nào là mật, tuyệt mật, tối mật để tránh sự tùy tiện trong áp dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và công dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung một số điều quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước; việc thu hồi, bàn giao bí mật nhà nước khi chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần…
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng khái niệm “bí mật nhà nước” có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để xác định các loại thông tin cần bảo vệ theo quy định của Luật này và các hình thức, biện pháp bảo vệ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Đồng thời, khái niệm “bí mật nhà nước” gắn với khái niệm “thông tin”, vì vậy, đề nghị nghiên cứu xây dựng khái niệm “bí mật nhà nước” rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước.