Quốc hội sẽ làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Chậm phân bổ vốn đầu tư công cũng là lãng phí, Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu gây nên sự chậm trễ này.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm tại cuộc họp báo.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm tại cuộc họp báo.

Chậm phân bổ vốn đầu tư công cũng là lãng phí, Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu gây nên sự chậm trễ này.

Thông tin trên được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Trần Văn Lâm cho biết tại cuộc họp báo sáng 19/5 về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lâm cho biết hiện tại, còn số vốn rất lớn của hai nội dung này chưa được phân bổ.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi trên trước ngày 31/3/2023. “Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm trễ, nên sau ngày 31/3, vẫn còn số vốn rất lớn chưa được phân bổ theo Nghị quyết của Quốc hội thì sẽ không phân bổ tiếp”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều dự án đã chuẩn bị đủ điều kiện, nếu đưa vào dự phòng thì sẽ ảnh hưởng đến tăng cường giải ngân đầu tư công – đây được coi là khâu đột phá, nên cơ quan tham mưu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban nhất trí trình Quốc hội xem xét. Dự án nào đủ điều kiện thì cho phân bổ, còn lại thì sẽ đưa vào dự phòng, như thế không còn phải băn khoăn áy náy nữa”, ông Lâm hồi âm báo chí.

Ông Lâm cũng cho biết con số cụ thể, vốn của Chương trình phục hồi sẽ giao tiếp 13.000 tỷ đồng cho 45 dự án, còn lại hơn 700 tỷ đồng chưa đủ thủ tục thì huỷ dự toán.

Vốn đầu tư công trung hạn số chưa phân bổ còn 279.000 tỷ đồng và phần lớn trong số này sẽ được tiếp tục xem xét phân bổ.

Về trách nhiệm, ông Lâm nhấn mạnh, để chậm trễ như trên là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng, đây cũng là lãng phí.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đừng đầu, báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ, ông Lâm thông tin.

Về nội dung khác, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ba nghị quyết gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, quyết định việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Kỳ họp này Quốc hội giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Kỳ họp thứ năm sẽ khai mạc sáng 22/5 và dự kiến bế mạc ngày 23/6/2023.

Tin bài liên quan