Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Hiệp định (Ảnh QK).
Sáng 8/6, ngay sau khi phê chuẩn EVFTA, Quốc hội đã biểu quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) với 461/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Một vị không biểu quyết.
Với nghị quyết này, Quốc hội cho phép áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định để thực hiện các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định.
Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết trong Hiệp định.
Nghị quyết nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định, hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp với nhà đầu tư mà phía Việt Nam là bị đơn.
Thủ tướng Chính phủ cũng được Quốc hội yêu cầu tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.
Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giải trình việc ban hành hai Nghị quyết riêng phê chuẩnEVFTA và EVIPA.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, hai Hiệp định trên là hai điều ước quốc tế độc lập có nội dung, phạm vi điều chỉnh, điều kiện có hiệu lực và hình thức áp dụng khác nhau, vì vậy, đề nghị Quốc hội ban hành hai Nghị quyết riêng để phê chuẩn hai Hiệp định theo đề nghị của Chủ tịch nước và Chính phủ.
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Nicolas Audier đã gửi thông điệp hoan nghênh sự kiện này.
“Sự kiện này cũng đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà Liên minh ký kết Hiệp định Thương mại tự do”, ông Nicolas Audier nhận định.
Theo Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng mười năm tới.
Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
“EuroCham cùng với 17 Tiểu ban Ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai” Chủ tịch Nicolas Audier cho biết.