Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Ở nước ngoài thì nghị sĩ Quốc hội là chính khách và yêu cầu tiêu chuẩn chắc chắn là phải cao. Để trở thành một vị nghị sĩ chắc chắn không hề dễ dàng, nhưng hiện nay đại biểu Quốc hội Việt Nam chưa xếp vào hàng nào ở trong hệ thống cán bộ.
"Ông nghị" Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã phát biểu như thế trong phiên thảo luận thứ hai của kỳ họp này về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, chiều 9/6.
Đây cũng có thể coi là một sự "phá lệ" của Quốc hội. Vì theo thông lệ, với các dự thảo luật chuẩn bị thông qua, Quốc hội chỉ bố trí thảo luận toàn thể một buổi, dù còn bao nhiêu đại biểu đăng ký thì cũng "xin gửi lại ý kiến cho Đoàn thư ký kỳ họp" chứ hiếm khi tiếp tục thảo luận ở buổi khác.
Với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thì ở đợt 1, trong buổi sáng ngày 26/5/2020 Quốc hội đã thảo luận trực tuyến.
"Có thể nói đây là một dự án luật quan trọng được cử tri và rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nên phiên thảo luận đã diễn ra khá sôi nổi, thẳng thắn. Tuy nhiên, do số lượng đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia phát biểu nhiều, kết thúc phiên thảo luận ngày 26/ 5 mới được 21/46 lượt đại biểu đăng ký phát biểu nên Đoàn chủ tọa đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục dành thêm thời gian trong buổi chiều hôm nay để các vị đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích lý do "phá lệ".
Thảo luận lần thứ hai, nghị trường vẫn đầy tâm tư của các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, nếu chỉ có quy định tiêu chuẩn chung như hiện hành thì soi vào đâu cũng tìm thấy đại biểu Quốc hội.
"Nếu dễ như thế thì chất lượng hoạt động Quốc hội sẽ ra sao? Trong khi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, quyết định mọi vấn đề của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều đó đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội cũng phải có am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực của đất nước, về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đại biểu Quốc hội không thể nói là việc này em không học, em không làm nên em không biết, em không tham gia được, không thể như vậy được, mà phải biết để tham gia", ông Phương phát biểu.
Cũng quan tâm đến chất lượng đại biểu, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị nên tăng tỷ lệ người ứng cử. Ví dụ, ở khóa XIV là 870 ứng viên bầu 500 đại biểu, tỷ lệ 1,74, thì nên tăng tỷ lệ này ở khóa XV và tăng dần lên. Ngoài ra cũng nên tăng tính tranh luận về chương trình hành động của đại biểu, mở rộng thành phần tham gia ứng cử từ các nhà quản lý, tri thức có uy tín, tâm huyết để giới thiệu nhiều nhân tài cho Nhân dân chọn lựa, theo đại biểu Nhường.
Khẳng định để làm tròn vai một đại biểu Quốc hội không hề dễ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng có hai việc cần lưu ý khi chọn người ứng cử đại biểu, nhất là làm đại biểu chuyên trách.
Một là ngay khi hiệp thương, dù có cần cơ cấu đại diện cho cân đối, cho hợp lý thì cũng phải chú ý đến việc phải đề xuất người có đủ trình độ, năng lực, điều kiện và đặc biệt có đủ thời gian để làm đại biểu Quốc hội.
Hai là một khi ai đó được đề nghị tham gia Quốc hội thì cần lượng sức mình, lượng quỹ thời gian của mình, nếu thấy không đáp ứng được thì cũng nên mạnh dạn từ chối sự đề cử đó.
Cụ thể hơn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị cơ cấu Quốc hội trong nhiệm kỳ tới phải giảm hơn nữa số lượng đại biểu kiêm nhiệm hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và các cơ quan tư pháp tham gia tố tụng ở cấp trung ương.
"Thực tế đây là những cơ quan Quốc hội phải giám sát, kể cả giám sát tối cao, nếu còn có những cơ cấu này trong Quốc hội thì Quốc hội không thực hiện được giám sát tối cao, rất là khó" , bà Khánh phát biểu.
Một vấn đề khác, theo đại biểu Khánh, cũng cần được xem xét trong lần sửa luật này, liên quan đến đại biểu Quốc hội bị kỷ luật. Theo bà Khánh thì kỷ luật đại biểu là cả một vấn đề rất khó khăn và phức tạp. Nhưng đến khi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lại "cho thôi làm đại biểu vì lý do sức khỏe".
Vì thế bà Khánh cho rằng cần quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội là: quyết định việc đưa ra để Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chấp nhận đại biểu thôi làm nhiệm vụ đại biểu trong thời gian Quốc hội không họp, báo cáo với Quốc kỳ gần nhất.