Quốc hội nhiệm kỳ mới và ưu tiên ổn định vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
Ngày mai (20/7), Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ nhất, quyết định những kế hoạch lớn cho 5 năm tới.
Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng thể chế có chất lượng cao, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực chủ động ứng phó với tình hình mới, duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng thể chế có chất lượng cao, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực chủ động ứng phó với tình hình mới, duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Chỗ dựa cho đại biểu mới

Quốc hội khóa XIV bế mạc họp kỳ cuối cùng vào đầu tháng 4/2021, nhưng để kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV khai mạc vào ngày 20/7 như dự kiến, mấy tháng nay, công việc giữ mạch nghị trường vẫn đặt trên vai của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban Dân nguyện tiếp tục rà soát, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, theo dõi đánh giá kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, tiếp nhận, nghiên cứu, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến.

Với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, liên tục các hoạt động làm việc với các bộ, ngành, địa phương để phục vụ việc thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức giám sát tình hình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và việc triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, đánh giá tiêu chí định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2021 và đề xuất, kiến nghị cho giai đoạn tiếp theo.

Trong nhiệm vụ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn có việc đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, triển khai thực hiện đầu tư công năm 2021, tổ chức thẩm tra các báo cáo về ngân sách nhà nước để trình Quốc hội.

Đây đều là những vấn đề sẽ được Quốc hội khóa XV đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ nhất, bên cạnh công tác nhân sự.

Quá trình chuẩn bị kỳ họp này, có ý kiến băn khoăn về thời điểm xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp thứ nhất hay kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV thì phù hợp hơn.

Song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dứt khoát các nội dung trên phải được đưa vào kỳ họp thứ nhất, chứ không thể chuyển sang kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021). Ông cũng lưu ý, các vấn đề quan trọng này phải được các cơ quan Quốc hội vào cuộc sớm, thì mới có chất lượng, có báo cáo thẩm tra tốt, làm chỗ dựa cho đại biểu quyết định.

Và để làm chỗ dựa cho đại biểu như lưu ý của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không có khái niệm “thư giãn” trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ, công việc vẫn nối tiếp công việc, như đã nói ở trên.

Cuối tháng 6 vừa qua, khi tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2021 và 5 năm 2021- 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nhấn mạnh, đây là phiên họp đặc biệt, khi có đến 4 bộ trưởng là Ủy viên Trung ương tham dự (thường các phiên họp Ủy ban chỉ có Thứ trưởng tham dự - PV).

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp như vậy, những vấn đề rất lớn của nền kinh tế đã được “mổ xẻ” khá kỹ trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội rất tốt.

Trần nợ công, nới bội chi, điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá... đều là những vấn đề hệ trọng chờ Quốc hội bấm nút. Và ổn định vĩ mô luôn là thông điệp được Thường vụ Quốc hội, được Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh. “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, đảm bảo an ninh tài chính, an toàn nợ công và không để cho nợ xấu, nợ công quay lại”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hơn một lần đưa ra thông điệp này ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặt nền tảng cho mô hình phát triển giai đoạn tới

Lần đầu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đã đắc cử, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết, ông đã suy nghĩ về câu hỏi “Quốc hội khóa mới cần ưu tiên những vấn đề gì để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô?” ngay từ khi xây dựng chương trình hành động nếu trúng cử, để báo cáo với cử tri khi vận động bầu cử. Những ngày gần đây, ông đã chuẩn bị dự thảo ý kiến cá nhân gửi Chủ tịch Quốc hội. Và ưu tiên của đại biểu ngành kế hoạch và đầu tư này dành cho hai nhóm công việc quan trọng.

Một là, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, ông Hiếu nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đặt nền tảng cho mô hình phát triển của nước ta trong giai đoạn tới, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi cả về kinh tế, chính trị, xã hội. “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ này”, ông Hiếu bày tỏ.

Hai là, về hoàn thiện thể chế, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, chương trình xây dựng pháp luật phải có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm và gắn chặt với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Mục tiêu là xây dựng thể chế có chất lượng cao, tương thích chuẩn mực tốt của khu vực và quốc tế. Tư duy thể chế phải đi trước, tạo nền tảng cho phát triển. Nên tập trung, ưu tiên vào thể chế tạo môi trường thuận lợi và nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới, với các lĩnh vực trọng tâm: đầu tư nhà nước và thị trường yếu tố sản xuất như đất đai, khoa học công nghệ...

Là một trong số không nhiều đại biểu - doanh nhân tái đắc cử, bà Trần Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Hà Nam bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách để vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền, trong năm 2021, cần tập trung nguồn lực tiêm vắc-xin cho người dân, công nhân lao động để ngăn chặn dịch trong cộng đồng. Những đề xuất từ Chính phủ, quyết sách từ Quốc hội cần hướng đến sự đồng bộ để thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, ổn định thị trường tài chính tiền tệ.

Từ góc nhìn của đại biểu - doanh nhân, bà Hiền cho rằng, thời gian còn lại của năm 2021 cần tiếp tục thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn… đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid- 19.

“Quốc hội khoá XV là nhiệm kỳ thứ ba tôi tham gia Quốc hội, cũng sẽ lần thứ ba bấm nút thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Nhưng 5 năm tới là giai đoạn rất đặc biệt, vừa đòi hỏi những chính sách dài hạn cho cả giai đoạn, cũng cần những phản ứng linh hoạt để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện tại”, bà Hiền trao đổi.

Điểm rất mới của nhiệm kỳ mới là Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì chuẩn bị Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, dự kiến trình Bộ Chính trị vào tháng 9/2021.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đây là đề án rất quan trọng, là nền tảng, định hướng cho công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới và liên quan đến trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Tin bài liên quan