Quốc hội muốn phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh

Quốc hội muốn phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh

(ĐTCK) Quốc hội yêu cầu quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển TTCK lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới.

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp 11 diễn ra ngày 12/4, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Quốc hội muốn phát triển TTCK lành mạnh, gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới.

Nhân sự mới đáp ứng được yêu cầu

Chia sẻ với báo giới trong và ngoài nước, tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp 11 của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, sau 19 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 11 đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật; tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác nhân sự... Nội dung quan trọng nhất, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước, cũng như dư luận quốc tế tại Kỳ họp 11 là kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao của Nhà nước.

“Để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, tại Kỳ họp 11, Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật...”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, Quốc hội đã bầu: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Quốc hội còn phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng; 18 Bộ trưởng và thành viên chính phủ...

“Nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, trải qua các cương vị khác nhau, có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn...”, ông Thông nói. 

Phát triển nhanh thị trường vốn

Ngoài nội dung về kiện toàn nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước, Quốc hội đã thông qua các dự thảo: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

“Tuy đây là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, nhưng Quốc hội đã dành thời gian xem xét thông qua 7 dự án Luật, trong đó có một số luật trong lĩnh vực kinh tế như: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Quản lý thuế... Các luật này tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, qua đó khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…”, ông Thông nói.

Các chỉ tiêu chính tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020: GDP bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.

Liên quan đến đường hướng phát triển nền kinh tế thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu trong 5 năm tới, đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các giải pháp: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại; cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Đặc biệt, trong định hướng phát triển nền kinh tế 5 năm tới, Quốc hội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển TTCK lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý giảm nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống và áp dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế...

Để triển khai có hiệu quả các giải pháp lớn trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng năm, đồng thời Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các giải pháp này nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao.

Tin bài liên quan