Quốc hội họp bất thường và “ngoại lệ” cho y tế

0:00 / 0:00
0:00
Hai trong số 5 nội dung của kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra ngay đầu năm 2023 là nhằm lo cho y tế, cả trước mắt và lâu dài. Và đó có thể coi là một “ngoại lệ”.
Một trong những vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận ở kỳ họp thứ tư là quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Một trong những vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận ở kỳ họp thứ tư là quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

“Nối dài” chính sách đặc thù

Sau phiên họp thứ 18 (bế mạc ngày 21/12/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Theo kết luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung, hai trong số đó có liên quan đến ngành y. Nội dung thứ nhất là Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nội dung thứ hai là tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3, Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Theo báo cáo của Chính phủ, khoản 3, Nghị quyết 30 (trao quyền cho Chính phủ được thực hiện một số biện pháp cấp bách, đặc thù trong chống dịch Covid-19) chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022, trong khi một số chính sách đã triển khai, nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Đó là các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn cho đến khi hoàn thành.

Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho đến khi công bố hết dịch Covid-19.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trước ngày 1/1/2023 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí, nhưng lưu ý, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt, để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc và đề nghị Chính phủ nhận diện, đánh giá đúng và trúng các nguyên nhân để có giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung được Luật Dược, thì đây là vấn đề cấp bách liên quan đến chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân”.

Thủ tướng thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), theo lộ trình, phải được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 11/2022). Nhưng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội là chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, dự án luật này “bình thường ra thì xem xét tại kỳ họp thứ năm, nhưng qua công tác chuẩn bị rất tích cực của cả Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đến nay còn một số vấn đề tiếp tục trình Quốc hội thảo luận, nhưng cơ bản là có thể đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét để quyết định sớm tại kỳ họp bất thường”.

“Ngoại lệ” này, theo Chủ tịch Quốc hội, là để có thêm thời gian cho Chính phủ chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để có thể thực thi Luật vào ngày 1/1/2024.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 12/2022, ngày 25/12/2022, Chính phủ đã báo cáo việc chỉnh lý Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với nhiều nội dung đã được tiếp thu, trong đó có vấn đề lớn như Hội đồng Y khoa quốc gia - mô hình lần đầu tiên Việt Nam áp dụng.

Trước đó, Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, Chính phủ sẽ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, “quy định về tổ chức quyết định sinh mạng đến hàng vạn người hành nghề lĩnh vực này mà lại mù mờ thế thì không được”.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Chính phủ cho biết, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ pháp luật, nên cần có thời gian nghiên cứu xây dựng các quy định cụ thể để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ đã thống nhất chỉnh lý Điều 24 về Hội đồng Y khoa quốc gia. Cụ thể, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.

Dự thảo mới nhất cũng quy định 4 nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng Y khoa quốc gia, trong đó có “ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, bên cạnh nhiệm vụ thứ 5 là “thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng”.

Một trong những vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận ở kỳ họp thứ tư là quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất chỉnh lý nội dung này là: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Dự thảo sau khi được chỉnh lý đã không còn các quy định mà theo Chủ tịch Quốc hội là khá mù mờ, kiểu như “các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.

Liên quan đến chính sách miễn thuế của Nhà nước đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Dự thảo quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ưu đãi về tín dụng để đầu tư nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập không chia mà để lại đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc miễn thuế phải được quy định trong các luật quy định về thuế nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Chính phủ, nội dung quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp như trên được xây dựng trên cơ sở quy định tại khoản 10, Điều 4, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Bên cạnh việc quy định các biện pháp ưu đãi về đầu tư, việc quy định ưu đãi về chính sách thuế là một trong các biện pháp nhằm cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước để phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả Nhà nước và tư nhân.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, bên cạnh việc quy định làm rõ nội dung được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), thì Dự thảo cũng đã bổ sung quy định sửa đổi khoản 10, Điều 4, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Vì vậy, Chính phủ thống nhất giữ nguyên quy định của Dự thảo đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguồn cung ứng thuốc có nguy cơ đứt gãy

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nếu không được “đặc cách” gia hạn, thì sẽ có nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho sản xuất lưu hành, do sẽ có trên 5.000 thuốc trong số 10.304 thuốc đã được cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành theo Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 hết thời hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành cùng một thời điểm là ngày 1/1/2023 (chiếm gần 25% số thuốc còn hiệu lực trên thị trường hiện nay). Ngoài ra, còn có khoảng 3.800 thuốc sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành trong năm 2023 và khoảng 3.600 thuốc sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành trong năm 2024.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hơn 5.000 doanh nghiệp dược, 62.000 cơ sở bán lẻ thuốc, mà sẽ dẫn đến nguy cơ không đủ thuốc điều trị, là một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian điều trị, tăng gánh nặng chi phí của người dân.

Tin bài liên quan