Trước phần bấm nút thông qua Nghị quyết, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của UB Thường vụ Quốc hội về nhiều nội dung.
Báo cáo nêu rõ, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy mô đầu tư phân kỳ với bề rộng nền đường 17m có đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc.
UB Thường vụ Quốc hội khẳng định, theo số liệu tính toán quy mô đầu tư phân kỳ với bề rộng nền đường 17m hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng sau năm 2040 và bảo đảm tiêu chuẩn của đường cao tốc.
Một số ý kiến lại đề nghị làm rõ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải ít nhất 20 năm. Một số ý kiến đề nghị giải phóng mặt bằng tối thiểu 6 làn xe trên toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Tiếp thu những ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định trong Nghị quyết nội dung giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, trừ dự án Cam Lộ (Hà Tĩnh) - La Sơn (Huế) đã phê duyệt quy hoạch 4 làn đường. Trường hợp giải phóng mặt bằng rộng hơn Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội quyết định về quy mô và sử dụng vốn từ nguồn vốn được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia.
Về hình thức đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần.
Giải trình nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện yêu cầu này, vừa qua, Chính phủ đã xây dựng các cơ chế triển khai thực hiện dự án như: lựa chọn dự án đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư một cách khách quan, khoa học trên cơ sở nhu cầu vận tải; đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư; Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 15-20% tổng vốn đầu tư dự án... Ngoài ra, đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT, dự thảo Nghị quyết đã yêu cầu Chính phủ khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
Mức thu phí tăng dần, từ 1.500-3.400 đ/km
Có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá và xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn làm cơ sở bố trí kinh phí ngân sách; minh bạch giữa ngân sách và thu phí theo đó các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng ngân sách; các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí lập thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu, quyết toán; còn chi phí xây dựng nhà đầu tư bỏ toàn bộ sau đó phí hoàn vốn.
Báo cáo về nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, khác với Quốc lộ 1 là tuyến cải tạo, nâng cấp, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đường bộ cao tốc là đường làm mới, yêu cầu về kỹ thuật rất cao nên chi phí đầu tư đường cao tốc lớn hơn nhiều. Do vậy, các dự án thành phần đều cần sự tham gia của Nhà nước (với các mức khác nhau phụ thuộc vào khả năng thu hồi vốn của từng dự án) để bảo đảm hiệu quả tài chính với thời gian hoàn vốn dưới 24 năm.
Theo kết quả tính toán, trường hợp ngân sách chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chi phí lập, thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu, quyết toán...(tương ứng với mức vốn nhà nước khoảng 25% tổng mức đầu tư các dự án PPP) thì thời gian thu hồi vốn đầu tư (75% tổng mức đầu tư còn lại) sẽ tăng lên khoảng gần 40 năm, dẫn đến không thể huy động được vốn tín dụng để triển khai nên không bảo đảm hiệu quả tài chính.
Về vấn đề mức giá vé xác định sau này, có ý kiến đề cho rằng, Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo trình Quốc hội bình quân 2.500 đồng/km, bước đầu xin thu những năm đầu từ 1500 đồng/km và tăng dần đến cuối kỳ là 3.400 đồng/km là quá cao so với 1 đoạn đường cao tốc hiện hữu là cao tốc TPHCM - Trung Lương là khoảng 1.000 đồng/km.
UB Thường vụ Quốc hội giải thích, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được đầu tư toàn bộ bằng ngân sách nhà nước và bán quyền thu giá để tạo nguồn thu ngân sách đến năm 2020. Mức thu giá hiện tại dự án là 1.000 đồng/km, theo lộ trình dự kiến mức thu giá năm 2020 khoảng 1.700 đồng/km để đầu tư cho đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Mức thu giá dự kiến của các tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam, theo đó, được nhận định là nhìn chung không cao so với mặt bằng chung của các dự án cao tốc khác.