Nếu như đúng là Formosa đứng đằng sau thảm họa môi trường biển ở miền trung Việt Nam, điều này có thể sẽ gây hại cho chính sách thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc đại lục của Tổng thống Thái Anh Văn.
Hiện tượng cá chết ở miền Trung là thảm họa môi trường tồi tệ nhất mà Việt Nam gặp phải trong những năm qua. Dù Chính phủ Việt Nam đã tiến hành điều tra nguyên nhân cá chết ngay sau đó, nhưng đến nay nguyên nhân thực sự gây ra thảm họa vẫn chưa được công bố. Formosa chính là đối tượng bị nghi ngờ nhiều nhất trong thảm họa này, và tạo ra sự phản đối rộng rãi trên khắp cả nước.
Việc các nhà hoạt động xã hội ở Đài Loan lên tiếng nghi ngờ Formosa gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam không phải không có lý do. Vì trước đó tập đoàn này đã có nhiều vết đen liên quan đến các vấn đề môi trường trên toàn cầu, từ Texas ở Mỹ cho tới Sihanoukville ở Campuchia. Formosa cũng bị buộc tội gây ô nhiễm ở Đài Loan. Cụ thể là tại Yunlin, nơi tập đoàn này có tổ hợp hóa dầu.
Chang Yu-yin, người đứng đầu Hiệp hội Luật gia Môi trường, cho rằng chính quyền các địa phương ở Đài Loan cần có bước đi để đảm báo Formosa tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, nhân quyền và lao động.
Ông Peter Nguyễn, một linh mục người Việt ở Đài Loan cho rằng, chính quyền của bà Thái Anh Văn phải bảo đảm Formosa - nếu như chứng minh được trách nhiệm của tập đoàn này với vụ cá chết – phải làm sạch môi trường và bồi thường cho các nạn nhân.
“Việt Nam muốn đầu tư nước ngoài nhưng phải là đôi bên cùng có lợi,” ông nói. “Nếu môi trường của chúng tôi và người dân chúng tôi phải trả giá, nó sẽ dẫn đến những thách thức lớn và vấn đề lớn cho tương lai của các dự án đầu tư của Đài Loan ở Việt Nam,” ông nhấn mạnh.