Qua bảy thập kỷ oanh liệt, với 5 bản Hiến pháp, hàng trăm Luật, Bộ luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Quốc hội Việt Nam đã kết tinh toàn dân tộc thành một khối, làm nên những thành tựu cách mạng vĩ đại

Qua bảy thập kỷ oanh liệt, với 5 bản Hiến pháp, hàng trăm Luật, Bộ luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Quốc hội Việt Nam đã kết tinh toàn dân tộc thành một khối, làm nên những thành tựu cách mạng vĩ đại

Quốc hội của nền cộng hòa mới ra đời: Khúc tráng ca vang mãi

Lịch sử dựng nước, giữ nước của 54 dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi dấu son về một cột mốc như khúc tráng ca vang mãi tới mai sau, đó là ngày 6/1/1946 - Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam độc lập sau một thế kỷ chìm đắm trong ách bạo tàn của chế độ thực dân và phong kiến.

1.Trước Ngày Tổng tuyển cử một ngày, Bác Hồ ra lời kêu gọi: “Ngày mai mồng sáu tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngay mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,

Kiên quyết chống bọn thực dân,

Kiên quyết tranh quyền độc lập…”

Nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy ý nghĩa trọng đại, sâu xa đến vô vàn của ngày chào đời, ngày khai sinh của Quốc hội Việt Nam - Quốc hội của nền cộng hòa mới, trẻ tuổi, lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á. Đó là sự kế tục, là tôn vinh làm sâu sắc thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, đoàn kết, thủy chung, có tình có nghĩa đồng bào sâu nặng, vốn là nét tiêu biểu trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam (tập I) cho biết, vào thời điểm đó, tại Hà Nội - trung tâm của cả nước, cử tri Thủ đô hăng hái đi bầu cử trong náo nức hơn cả trẩy hội, bất chấp sự chống phá của kẻ thù. Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, đánh dấu mốc son phát triển nhảy vọt đầu tiên của thể chế dân chủ tại Việt Nam. Quốc hội khóa I với 333 đại biểu được bầu và khai hội kỳ họp đầu tiên vào ngày 2/3/1946.

Quốc hội đầu tiên của nước ta vừa là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, vừa là yêu cầu bức thiết của một thể chế. Đó là Quốc hội của lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, của đại đoàn kết toàn dân, của phát triển và hội nhập trong thời đại mới. Đó là sự nối tiếp, kế thừa rất đẹp, hào tráng của Quốc dân Đại hội Tân Trào vào ngày 16/8/1945 trên núi rừng Việt Bắc. 

2.Kể từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919) đến Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945) rồi Quốc hội khóa I (1946), tư tưởng xây dựng một Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa từng bước, với những việc làm cụ thể, thiết thực, hợp lòng dân, hợp quy luật.

Tân Trào năm ấy chính là bình minh của Cách mạng Việt Nam, bởi tại đây, bên “Ngòi Thia sông Đáy vơi đầy”, Đại hội thông qua quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, nhà sử học Trần Huy Liệu là Phó chủ tịch.

Ngay sau bế mạc Đại hội, tại cuộc liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn”, mỗi đại biểu phải có một tiết mục góp vui. Một đại biểu còn trẻ hát bài Thanh niên cứu quốc, có câu: “Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến - Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh”… Bác Hồ ngồi giữa các đại biểu liền nói: “Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì không thích hợp. Chú nên hát “Gươm đây, gươm đây”. Cả hội trường reo lên một cách thú vị.

Cũng hôm đó, trong câu chuyện vui, Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc lẩy Kiều “Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Nghe vậy, có đại biểu nói, Chủ tịch xa nước lâu thế mà vẫn nhớ Kiều. Bác liền nói “Càng xa càng nhớ chứ”. Nhắc lại chi tiết trên để thấy trong buổi đầu của cách mạng non trẻ, khó khăn trăm bề, nhưng những người cách mạng vẫn lạc quan, yêu đời để nuôi chí bền vì nghĩa nước tình dân.

3.Nhớ lại 70 năm trước, khi còn tuổi học trò ở một làng quê vùng Khu Bốn cũ, tôi cùng các bạn nhỏ mang cờ đỏ sao vàng, trống chiêng đi khắp làng suốt một ngày trời để cổ động bầu cử. Tối về, chúng tôi lại đốt đuốc lên viết khẩu hiệu “Chào mừng ngày hội lớn của dân tộc”. Thế mà nay cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát tối cao, cơ quan mà mọi hành động, mọi quyết sách đều vì dân, vì nước, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi, đã đi qua 7 thập kỷ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến thần thánh 3.000 ngày không nghỉ thời 9 năm trường kỳ đi tới toàn thắng ở Điện Biên Phủ là thành quả của Quốc hội khóa đầu tiên tỏa sáng trong ba vận hội: Đó là sự đoàn kết toàn dân tộc chống giặc ngoài, thù trong, xây dựng, củng cố chính quyền non trẻ suốt cả năm 1946. Tiếp nối là cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ từ tháng 12/1946 đến tháng 7/1954, cùng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1960).

Bảy thập kỷ oanh liệt của Quốc hội Việt Nam với 5 bản Hiến pháp, hàng trăm Luật, Bộ luật, Pháp lệnh, Nghị quyết để toàn dân tộc hồ hởi, nhất tề kết tinh trong một khối, làm nên mọi thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam kể từ ngày khởi dựng nền cộng hòa non trẻ, xuyên suốt đều theo con đường lấy dân làm gốc, ngày càng gần dân hơn, lắng nghe dân kịp thời hơn để phụng sự độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên con đường ấm no, hạnh phúc trong một xã hội dân chủ, bình đẳng và hội nhập.

Mùa Xuân này - mùa Xuân Bính Thân 2016 khi Quốc hội tròn 70 tuổi, tuổi của kim cương, cũng là mùa Xuân mở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; mùa Xuân mở đầu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Những năm qua, đất nước đã giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sau 30 năm đổi mới và hội nhập. Đó là điều khẳng định.

Tuy nhiên, phía trước của chúng ta còn ngổn ngang thách thức của sự phát triển, cả về chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Đất nước sang trang mới, đó là thời điểm Tổ quốc truyền đi mệnh lệnh của cuộc sống: tất cả tiến về phía trước, đạp bằng khó khăn để quê hương xứ sở có một mùa Xuân hứng khởi, tuyệt đẹp.

Tin bài liên quan