“Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt 7,5-8,0%. Nhiệm vụ này hết sức nặng nề, mặc dù vậy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vẫn rất quyết tâm nên chưa đặt vấn đề đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Nguyên nhân GDP tăng trưởng thấp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Cụ thể, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18% (cùng kỳ tăng 2,22%) khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12% (cùng kỳ tăng 9,36%).
Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,82%, thấp hơn mức tăng 9,66% cùng kỳ năm trước.
“Nguyên nhân chủ vếu do ngành khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,48%); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng 6,35% cao hơn tốc độ tăng 5,86% của 6 tháng đầu năm 2015, nhưng chưa có sự cải thiện mạnh mẽ, thể hiện sức cầu yếu cả ở thị trường trong nước và xuất nhập khẩu đều thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Cho ý kiến vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng bà Ngân boăn khoăn vì “Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP, nhưng chưa thấy có giải pháp đột phá nào”.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thì tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 là 6,32%, nhưng cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2012 là 4,93%; năm 2013 là 4,9%; và năm 2014 là 5,22%. Sự so sánh này, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân là khập khiễng.
“Giai đoạn 2012-2014 nền kinh tế trong thời kỳ suy giảm, còn từ năm 2015 trở lại đây kinh tế đã tăng trưởng trở lại, mặc dù phục hồi còn chậm nên so sánh tốc độ tăng trưởng như vậy là khập khiễng”, bà Ngân nói thêm và tỏ ra hoài nghi về trước quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20/6/2016, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 8,23% (cùng kỳ năm trước tăng 4,58%); tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,2% tương đương với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước (6,28%).
“Điều này cho thấy, người dân có tiền nhưng chưa biết đầu tư vào đâu, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn hết sức khó khăn. Muốn tăng trưởng thì Nhà nước phải tăng đầu tư, nhưng Nhà nước lấy tiền đâu để đầu tư”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi.
Mặc dù nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ đầu tư đã ít, nhưng trong 6 tháng đầu năm nguồn vốn ngân sách giải ngân mới đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ đạt 44,4%), vốn trái phiếu chính phủ đạt 23% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34%). Vì vậy, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong những tháng còn lại phải tập trung giải ngân 2 nguồn vốn này.
“Vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ là nguồn vốn mồi, chỉ khi nào nguồn vốn mồi được đầu tư mới thu hút các thành phần kinh tế khác cùng tham gia, mới tạo động lực phát triển kinh tế”, ông Trịnh Đình Dũng phân tích.
Ông Trịnh Đình Dũng hy vọng, nếu “tháo” được vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ, các thành phần kinh tế khác sẽ đẩy mạnh đầu tư, tổng cầu tăng sẽ góp phần quan trọng để tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3 và quý 4 cao hơn.
“Tổng đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt khoảng 618.200 tỷ đồng, bằng gần 33% GDP và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt hơn 31% GDP, tăng 9,4%). Vốn nhà nước chỉ chiếm chiếm khoảng 31% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nếu tháo được nguồn vốn này sẽ là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2016 và các năm sau này”, ông Trịnh Đình Dũng phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn chưa biết Chính phủ sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn nhà nước bằng cách nào để cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Bởi ngay cả các dự án không hề vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục khác, từ cuối năm 2015, Quốc hội đã cho chủ trương đầu tư đến nay vẫn chưa giải ngân được.
“Hoàn thành dự án Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) còn dư ra được 14.259 tỷ đồng. Kỳ họp thứ X (cuối năm 2015), Quốc hội đã cho chủ trương sử dụng số tiền này đầu tư vào 22 dự án. Địa chỉ đầu tư đã có, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được thì các dự án khác đẩy nhanh giải ngân bằng cách nào vì giải ngân vốn nhà nước phải thực hiện rất nhiều thủ tục”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề.