Dòng tiền năm 2020 chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Dòng tiền năm 2020 chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Quẻ Dịch chứng khoán 2021: “Lữ khách”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời điểm đầu Xuân ứng với quẻ Dịch Hỏa Sơn Lữ, nhà đầu tư chứng khoán trong năm mới nếu không cẩn trọng, sáng suốt thì có thể rơi vào tình cảnh khó khăn như người lữ khách.

Trái chiều tâm lý cận Tết

Cuối Đông năm Canh Tý 2020, trong cái rét ngọt của Hà Nội, một nhóm nhà đầu tư chứng khoán tụ họp, bàn luận rôm rả.

Một nhà đầu tư tự hào khi thuyết phục được nhiều người góp vốn tham gia thị trường trong những tháng cuối năm 2020 và thành quả đầu tư đến nay vượt kỳ vọng.

Ban đầu, không dễ để mọi người bỏ vốn vào chứng khoán trong bối cảnh thu nhập suy giảm do bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhìn nhận cổ phiếu là kênh đầu tư có cơ hội nhất nên anh tích cực hô hào, vận động, vì không muốn người thân bỏ lỡ dịp kiếm lời như đã từng bỏ lỡ giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018.

“Tôi thì ngược lại, làm việc trong ngành tài chính nên từ vài tháng nay, người thân, bạn bè liên tục nhờ đầu tư hoặc tư vấn mua cổ phiếu, trong đó có cả bà hàng xóm bán rau. Chứng khoán trong và ngoài nước tăng điểm ầm ầm, ai có tiền tiết kiệm cũng sốt ruột khi thấy giá cổ phiếu liên tục đi lên, còn lãi suất ngân hàng ngày càng giảm. Mã nào tôi tư vấn cũng mang lại lợi nhuận”, một nhà đầu tư khác cho biết và nhận định, thị trường vẫn còn dư địa tăng, nhu cầu đầu tư chứng khoán của người dân ngày càng cao, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, kỳ vọng VN-Index tiến lên các ngưỡng điểm cao hơn cho “bằng chị, bằng em” với thị trường quốc tế.

“Trong tháng 12/2020, tôi đã mở tài khoản để giao dịch, sau nhiều lần lưỡng lự. Mặc dù chậm chân so với hàng vạn nhà đầu tư khác, nhưng tài khoản đang có lãi khi mua cổ phiếu chứng khoán, với nhận định nhóm ngành này sẽ có lợi nhuận đột biến vì giá trị giao dịch trên thị trường ngày càng cao. Thị trường vẫn còn dư địa tăng, vậy tôi sẽ tiếp tục nắm giữ”, nhà đầu tư thuộc một trong hơn 6 vạn tài khoản mở mới trong tháng cuối năm 2020 vững tâm nói.

“Tôi cũng là nhà đầu tư mới. Truyền thông gọi chúng ta là "F0 hung hãn", không biết sợ, giá cao thì tranh mua, giá giảm càng tranh mua, cứ như thể cổ phiếu là hàng quý hiếm bị lỡ tay đưa vào chương trình siêu giảm giá vậy.

Thú thực, tôi không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm đầu tư. Tôi tham gia thị trường chứng khoán ở vùng đáy tháng 4/2020, còn bạn tôi gia nhập sau đó vài tháng, nhưng từ đó đến nay mỗi người chỉ mua bán được hơn chục lần, lần nào mua vào cũng lo lắng, chỉ lo thị trường đảo chiều, nên thấy lãi là bán ngay, chờ cơ hội khác, một số thương vụ còn bị lỗ. Sắp hết năm rồi, tôi sẽ tạm nghỉ, ăn Tết cho yên tâm”, nhà đầu tư ngồi đối diện chia sẻ.

Người bên cạnh cho biết, một nghiên cứu của nước ngoài chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi có cường độ gấp 3 lần lòng tham. Tâm lý này khiến nhà đầu tư thấy giá chớm quay đầu đã hoảng, vội vàng đặt lệnh bán, nhất là khi khối ngoại duy trì động thái bán ròng kéo dài.

Vì thế, trong cả sóng tăng từ khi VN-Index ở dưới 700 điểm lên 1.200 điểm, có những mã tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng số lượng nhà đầu tư lãi lớn dự kiến không nhiều, bởi chỉ “ăn” từng đoạn ngắn.

Tham vọng lớn

Cũng có ý kiến phản bác về nỗi sợ hãi rằng, trong giai đoạn thị trường tăng điểm, đa số nhà đầu tư bị lòng tham lấn át.

Thời gian đầu, họ có tâm lý nghi ngờ sự hồi phục của thị trường, bởi dịch bệnh hoành hành trên toàn cầu và kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái. Nhưng sau đó, những gói kích thích khổng lồ của các ngân hàng trung ương không chỉ mang lại triển vọng hồi phục kinh tế, mà còn tạo ra nguồn vốn rẻ cho các kênh đầu tư, đồng thời thông tin tích cực về vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đã tạo ra tâm lý lạc quan, thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, VN-Index sẽ tiến lên các ngưỡng điểm cao mới cho “bằng chị, bằng em” với thị trường quốc tế.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, VN-Index sẽ tiến lên các ngưỡng điểm cao mới cho “bằng chị, bằng em” với thị trường quốc tế.

Trước diễn biến giá cổ phiếu tăng kéo dài, nhà đầu tư có hội chứng tâm lý sợ mất cơ hội, vì thế mạnh dạn mua và kiên quyết nắm giữ. Quyết định này được củng cố bởi dòng tiền “không biết từ đâu ra mà lắm thế” của các nhà đầu tư mới đổ vào kênh chứng khoán theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Có nhà đầu tư đề ra chiến lược “giữ chặt cổ phiếu”, chỉ khi nào thị trường chung hoặc giá cổ phiếu lao dốc 2 phiên liên tiếp thì mới bán ra, bởi mức độ giảm lãi do không bán đúng đỉnh là nhỏ so với tổng mức lãi nhờ ăn trọn sóng tăng.

Thực tế, trong quá trình tăng giá, VN-Index cũng như không ít cổ phiếu chỉ giảm 1 - 2 phiên, thậm chí điều chỉnh trong phiên là hàng loạt lệnh mua xuất hiện, đẩy giá bước vào đợt tăng mới. Điều này khiến bên bán tiếc hùi hụi vì “mất hàng”, sau đó quyết định mua lại dù có giá cao hơn, còn bên mua thì hồ hởi bởi “chờ mãi mới mua được ở mức giá đỏ”. Chính vì vậy, thị trường ngày càng hừng hực khí thế.

Trên các diễn đàn mạng xuất hiện một số ý kiến cảnh báo rủi ro, nhưng thị trường vẫn duy trì sắc xanh, thậm chí tăng điểm mạnh hơn. Các ý kiến “hù dọa” thị trường lao dốc bị “ném đá” vì nghi ngờ sau khi bán ra chốt lời thì “chim lợn” để giá giảm nhằm mua lại với giá thấp hơn. “Chim lợn” sau đó được coi là đứng trước nguy cơ… tuyệt chủng, không phải vì bị dân mạng “ném đá”, mà do hòa mình vào phía bên mua.

Một nhà đầu tư đã bổ sung vào lời khuyến nghị thường được nêu ra khi thị trường tăng nhanh và mạnh “nên đi ngược đám đông” (vì hiệu ứng đám đông thường dẫn tới hành động mù quáng, khiến thị trường tăng quá đà và diễn biến tiếp theo sẽ là lao dốc không phanh) thành “nên đi ngược đám đông, nhưng khi đám đông đông quá thì thôi, đi xuôi”.

Đi ngược xu hướng tăng, tức bán ra sẽ “mất hàng”, hoặc mở vị thế bán trên sàn phái sinh sẽ lỗ, còn đứng ngoài xu hướng tăng thì chỉ có... “đói mốc mồm”.

Trong bối cảnh đó, lòng tham trong câu nói kinh điển “hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam” được nhìn nhận sẽ mang lại lợi nhuận lớn, phần thưởng cho những người có tầm nhìn, đánh giá đúng bối cảnh cũng như triển vọng thị trường để nắm bắt cơ hội.

Nhìn rộng hơn, lòng tham được đặt đúng chỗ, đúng định hướng và xu thế là động lực để hiện thực hóa tham vọng đạt những mục tiêu lớn.

“Tôi thấy dân tình sôi sục vì chứng khoán. Sàn giao dịch của các công ty chứng khoán không đông vui như xưa vì giờ đây toàn giao dịch qua mạng, nhưng số lượng nhà đầu tư đến mở tài khoản mới đông hơn trước nhiều, bao gồm cả sinh viên. Bà xã tôi kể, các bà bán vải, bán tạp hóa ở chợ cứ dán mắt vào ipad để xem bảng giá chứng khoán. Ngay cả bác lao công cũng hỏi han về cổ phiếu. Thị trường đã quay trở lại thời kỳ hoàng kim”, một nhà đầu tư tóc hoa râm nói và nhấn mạnh, không ít thị trường trên thế giới liên tiếp lập đỉnh mới dù nền kinh tế già cỗi, hà cớ gì chứng khoán Việt Nam cứ mãi ở mức điểm thấp? Chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đáy nhưng hiện cũng chỉ nhỉnh hơn vài ba phần trăm so với đỉnh năm 2007, trong khi nền tảng kinh tế vững vàng, sung sức, GDP liên tục tăng trưởng mạnh mẽ...

“Thị trường giả sử có điều chỉnh sâu một chút thì có lẽ cũng phải chờ hết quý I/2021, tương tự như năm 2018, hay trước đó là năm 2008”. Nhận định này được nhiều người đồng tình, dù hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM gần đây thường xuyên bị “đơ”, nghẽn lệnh vì thanh khoản tăng vọt, gây ức chế tâm lý và nhà đầu tư rơi vào tình cảnh giao dịch mò mẫm mỗi khi hết “hạn mức” 15.000 tỷ đồng/phiên.

Chứng khoán tiếp tục hút tiền

“Thấy mọi người nhận định lạc quan, tôi vui quá. Tôi vừa chuyển số tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn vào tài khoản chứng khoán. Thật tiếc khi số tiền từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đáo hạn không dùng để mua chứng khoán sớm hơn, vốn thua lỗ vì bảo hiểm”, một nhà đầu tư chia sẻ.

“Mua bảo hiểm bị lỗ? Tôi nghe nói chỉ lãi ít so với gửi ngân hàng, vì các công ty bảo hiểm cam kết trả lãi suất 2 - 3%/năm mà”, một ý kiến tỏ ra ngạc nhiên.

“Có lẽ anh cũng nhầm tưởng như tôi. Không biết các công ty khác như thế nào, nhưng tôi mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ An Phúc Hưng Thịnh của Dai-ichi Việt Nam cuối năm 2014, kỳ hạn 6 năm, lãi suất cam kết 4%/năm trong 5 năm đầu và 3%/năm kể từ năm thứ sáu, vậy nhưng khi hợp đồng đáo hạn thì giá trị nhận về thấp hơn tổng mức phí đã đóng. Tôi liên hệ với Công ty thì được trả lời là giá trị hợp đồng thực tế tại thời điểm đáo hạn thấp hơn tổng mức phí khách hàng đã đóng là đúng theo hợp đồng”, người chuyển hướng từ bảo hiểm sang chứng khoán ngán ngẩm nói.

“Mua bảo hiểm nhân thọ làm gì, cứ giữ gìn sức khỏe, cẩn thận khi tham gia giao thông thì không lo bệnh tật, tai nạn, trong khi rủi ro nếu chẳng may xảy ra thì đã có bảo hiểm y tế của Nhà nước. Ở khía cạnh đầu tư, tôi nghĩ chứng khoán vẫn sẽ là kênh sinh lời tốt nhất. Cần làm cho tiền của mình sinh sôi. Không tiền khốn khó trăm bề, có tiền vui sướng chẳng hề lo toan”, một thanh niên nêu quan điểm.

Anh này cho rằng, kênh tiền gửi ngân hàng ngày càng kém hấp dẫn vì lãi suất quá thấp, ngay cả trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất gấp 3 - 4 lần cũng ế chỏng chơ. Đơn cử, Apec Group vừa chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 15%/năm nếu nhận lãi 6 tháng/lần, 18%/năm nếu nhận lãi sau 5 năm và người mua được phép bán lại cho Công ty sau 3 tháng nắm giữ, nhưng cũng chỉ huy động được vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng.

Dự báo 2021 bằng quẻ Dịch

“Chúng ta nên kiên định với niềm tin về triển vọng tăng dài hạn của thị trường, góp sức đưa VN-Index lên tầm cao mới để người cũ có thêm phần thưởng, còn người mới không bị bỏ lại phía sau”, thanh niên vừa nãy nhấn mạnh.

Không khí lạc quan bao trùm vì có nhiều ý kiến hưởng ứng. Khi các ý kiến lắng xuống, một người có vẻ mặt khá đăm chiêu lên tiếng: “Tôi cũng có niềm tin vào thị trường, nhưng một người bạn dự báo bằng quẻ Dịch thấy khá đúng trong vài năm qua chia sẻ, chứng khoán trong năm mới có rủi ro cao. Vì vậy, chúng ta nên thận trọng, chọn lọc cổ phiếu kỹ càng, tránh ảo tưởng sẽ giàu nhanh nhờ chứng khoán”.

“Cụ thể, quẻ Dịch dự báo thế nào, nếu bói toán mà đúng thì cũng đáng tham khảo”, một người tò mò hỏi.

Quẻ Hỏa Sơn Lữ.

Quẻ Hỏa Sơn Lữ.

Người kia lôi tin nhắn ra đọc: “Thời điểm Lập xuân năm Tân Sửu 2021 (21h59 ngày 3/2/2021 Dương lịch, tức 22/12/2020 Âm lịch) ứng với quẻ Hỏa Sơn Lữ.

Theo trật tự của 64 quẻ trong Kinh dịch, quẻ Lữ đứng sau quẻ Lôi Hỏa Phong, quẻ Phong có nội dung là thịnh vượng. Thịnh sẽ đến suy, nên tiếp theo quẻ Phong là quẻ Lữ, tức lữ khách, suy đến nỗi phải bỏ nhà đi tha phương (đi xa làm ăn).

Xét hình tượng quẻ Lữ, Ly (hỏa - lửa) trên, Cấn (sơn - núi) dưới, lửa ở trên núi là mặt trời xuống núi, chỉ còn ánh hoàng hôn. Nếu người lữ khách có tài, có đức, khiêm tốn, thận trọng thì được hanh thông; giữ đức kiên chính thì được may mắn.

Theo ý quẻ Dịch “lửa trên núi” năm 2021, chỉ những nhà đầu tư “sáng suốt như lửa, thận trọng như núi” mới tìm được các cổ phiếu tốt, hạn chế rủi ro, mang lại thành quả.

Có hai chữ được coi là “lá bùa hộ thân” cho người lữ thứ là nhu và trung, tức nhu thuận, từ tốn, khéo ăn khéo ở và ngay thẳng.

Theo đó, dự báo thị trường chứng khoán sau khi đạt đỉnh sẽ điều chỉnh, khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ, rút lui khỏi thị trường, nhưng cũng có thể “chạy quanh” tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu. Chỉ những nhà đầu tư “sáng suốt như lửa, thận trọng như núi” mới tìm được các cổ phiếu tốt, hạn chế rủi ro, mang lại thành quả”.

Nghe xong, một người nói to: “Lửa trên núi sẽ tỏa ánh sáng xa, còn núi thì vững chắc. Vậy thì phải luận là thị trường sẽ tăng điểm bền vững”.

Thế rồi, không gian lại bùng lên những tiếng cười nói hỉ hả, tiếng chúc tụng năm mới Trâu Vàng tiếp tục đầu tư thành công.

Tin bài liên quan