Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang “khát” vốn, trong khi nhà đầu tư có tâm lý thận trọng.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang “khát” vốn, trong khi nhà đầu tư có tâm lý thận trọng.

“Quay xe” với kế hoạch niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kế hoạch niêm yết của đa số doanh nghiệp đang bị chậm lại trong bối cảnh diễn biến thị trường không thuận lợi và hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp rút hồ sơ niêm yết.

Doanh nghiệp dừng kế hoạch niêm yết

Trong tuần đầu tháng 4/2023, có 2 doanh nghiệp rút hồ sơ niêm yết lần đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đó là Công ty Chứng khoán Phú Hưng rút hồ sơ niêm yết 150 triệu cổ phiếu đã nộp ngày 8/11/2022 với lý do, tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tôn Đông Á rút hồ sơ niêm yết gần 115 triệu cổ phiếu đã nộp ngày 22/4/2022, do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 của toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan, khiến Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định (năm 2022, Tôn Đông Á lỗ 276,5 tỷ đồng).

Ngoài ra, một doanh nghiệp hủy kế hoạch niêm yết trên HOSE là Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (SamLand), do kế hoạch niêm yết không còn phù hợp với định hướng của Công ty trong thời gian tới.

Thực tế, năm 2022, SamLand lỗ 61,79 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 5,96 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông vừa qua, Công ty dự kiến năm nay lỗ thêm gần 16 tỷ đồng.

SamLand là chủ đầu tư dự án Nhơn Trạch 55,2 ha tại Đồng Nai và dự án SamLand Riverside tại TP.HCM). Đây là hai dự án bị chậm tiến độ; trong đó, dự án SamLand Riverside gặp vướng mắc với các quy định pháp luật về đất đai, hiện chưa thể tiếp tục triển khai.

Trước đó, đầu tháng 3/2023, HOSE thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, vì công ty này không nộp hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh theo yêu cầu của Sở.

Nhiều doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ niêm yết từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái của các doanh nghiệp về việc hoàn thiện hồ sơ để được HOSE chấp thuận niêm yết như Công ty Chứng khoán Thành Công nộp hồ sơ niêm yết hơn 100 triệu cổ phiếu ngày 17/3/2022, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nộp hồ sơ niêm yết 16,8 triệu cổ phiếu ngày 18/3/2022, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nộp hồ sơ niêm yết 40,4 triệu cổ phiếu ngày 18/4/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV nộp hồ sơ niêm yết 672,4 triệu cổ phiếu ngày 8/6/2022, Công ty cổ phần Xây dựng và Năng lượng VCP nộp hồ sơ niêm yết 83,79 triệu cổ phiếu ngày 14/6/2022, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn SRG nộp hồ sơ niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu ngày 11/8/2022.

Theo quy định, điều kiện niêm yết trên HOSE bao gồm: doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp từ 120 tỷ đồng trở lên, 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại thời điểm gần nhất đạt tối thiểu 5%, không có nợ quá hạn trên 1 năm, không có lỗ luỹ kế, tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ, cổ phiếu đã giao dịch trên UPCoM tối thiểu 2 năm và được đại hội cổ đông thông qua việc niêm yết (trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa)…

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán ra quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thị trường khó vẫn kỳ vọng huy động vốn cổ phần

Một trong những mục tiêu của các doanh nghiệp khi niêm yết là huy động vốn cổ phần thuận lợi hơn. Trong 1 năm qua, thị trường chứng khoán có diễn biến kém khả quan, điểm số và thanh khoản sụt giảm, nhưng không ít doanh nghiệp niêm yết vẫn lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm triển khai dự án dang dở, hoặc đáo nợ vay, bổ sung vốn lưu động.

Với các doanh nghiệp niêm yết, thị trường gặp khó khăn nhưng vẫn lên kế hoạch huy động vốn cổ phần.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán SZC) dự kiến phát hành 60 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán nhưng không không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu.

Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI, tính tới cuối năm 2022, giá trị sổ sách cổ phiếu SZC là 15.343 đồng/cổ phiếu (thị giá trên sàn chứng khoán cuối tuần qua là 30.700 đồng/cổ phiếu).

Sonadezi Châu Đức dự kiến dùng vốn huy động từ phát hành cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn đầu tư, xây dựng dự án Khu đô thị và sân golf Châu Đức, hoặc dự án Khu công nghiệp Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và tái cơ cấu các khoản nợ vay.

Sonadezi Châu Đức cần vốn do vừa điều chỉnh vốn đầu tư dự án Khu đô thị Châu Đức tăng 6,9 lần so với ban đầu, tương ứng tăng thêm 8.567 tỷ đồng, lên hơn 9.804,4 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG), doanh nghiệp này thông qua kế hoạch chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Công ty sẽ dùng toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng dự kiến huy động được đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (dự án bị đội vốn thêm 2.845,9 tỷ đồng, lên 15.711,6 tỷ đồng).

Trước đó, năm 2022, DIC Corp đã lên kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 3.000 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu. Do thị trường gặp khó khăn nên Công ty liên tục hạ giá chào bán, nhưng vẫn chưa triển khai được.

Tại Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC, mã chứng khoán IJC), Công ty dự kiến chào bán 125,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động 1.259 tỷ đồng để xây dựng các dự án hạ tầng, thực hiện góp vốn, thanh toán nợ, bổ sung vốn lưu động.

Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Becamex IJC đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư Khu nhà ở

Sunflower II (mở rộng), tăng diện tích sử dụng đất từ 58.693 m2 lên 100.724 m2, nâng tổng vốn đầu tư từ 1.457 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Theo đó, Công ty dự kiến dùng 600 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.400 tỷ đồng huy động để triển khai dự án.

Dự án Khu nhà ở Sunflower II (mở rộng) được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2015, vốn đầu tư xây dựng công trình khi lập dự án thời điểm đó theo quy định của pháp luật không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.

Đến năm 2020, việc xác định vốn đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật bao gồm chi phí xây dựng công trình và giá trị quyền sử dụng đất, chi phí lãi vay và các chi phí khác. Vì thế, Becamex IJC phải thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng lô N6 và đang triển khai thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công công trình nhà biệt thự và chung cư.

Thực tế, các doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông vì kênh trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, còn kênh tín dụng ngân hàng gặp một số thách thức như lãi suất tăng, ngân hàng chặt chẽ hơn khi cho vay, định giá lại tài sản bảo đảm theo hướng giảm...

Tin bài liên quan