Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua tỉnh Long An. Ảnh: Lê Toàn

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua tỉnh Long An. Ảnh: Lê Toàn

Quay quắt lo vốn Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00

Việc tìm nguồn thanh toán khoản nợ 15 triệu USD cho các nhà thầu Nhật Bản tại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo VEC.

Nguy cơ bị kiện

Nếu không có gì thay đổi, thì chậm nhất đến cuối tháng 12/2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) sẽ bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), qua đó lấp đầy 2 vị trí quan trọng nhất vốn được bỏ trống tại đơn vị này suốt 4 tháng qua.

Vào cuối tuần trước, CMSC đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trương Việt Đông, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giữ chức Chủ tịch HĐTV VEC.

Cùng với việc sớm ổn định bộ máy tổ chức, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được lãnh đạo VEC ưu tiên giải quyết dứt điểm lúc này là tìm nguồn vốn để khởi động lại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm của ngành giao thông - vận tải (GTVT) do VEC làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 1.607,4 triệu USD. Đây là dự án có cơ cầu nguốn vốn khá phức tạp, trong đó VEC vay lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 635,7 triệu USD, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 634,8 triệu USD và vốn ngân sách nhà nước để đối ứng cho Dự án khoảng 336,9 triệu USD.

Dự án này lẽ ra đã phải hoàn thành vào năm 2019 để giải quyết ùn tắc giao thông; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách và không có kinh phí để triển khai do không được bố trí vốn ODA và vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm 2019, nên VEC đã phải dừng thi công tại công trường gần 2 năm nay. Tính đến tháng 11/2020, Dự án mới đạt giá trị khoảng 78,6% tổng giá trị các hợp đồng xây lắp và giải ngân được 10.708/13.624 tỷ đồng giá trị các hợp đồng.

Trước đó, tại Nghị Quyết số 71/2018/QH14, Quốc hội đã quyết nghị chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC do phải chờ phương án chuyển đổi cơ chế tài chính tổng thể của VEC được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc chưa được Quốc hội tái phân bổ vốn ODA và vốn ngân sách nhà nước đã khiến VEC không còn tiền để triển khai thi công trở lại các gói thầu sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, cũng như trả nợ khối lượng đã hoàn thành (ít nhất là 15 triệu USD) cho các nhà thầu tại 2 gói thầu J1 và J3.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, hiện các nhà thầu Nhật Bản thi công 2 gói thầu J2, J3 đã yêu cầu chủ đầu tư đền bù vì phải phải dừng thi công và nợ khối lượng thực hiện chưa được thanh toán. Nếu tiếp tục chậm trễ, nguy cơ chủ đầu tư bị các nhà thầu này khởi kiện với nhiều rủi ro về mặt pháp lý là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Giải pháp chữa cháy

Trong khi chờ Bộ Chính trị, Quốc hội phê chuẩn chủ trương chuyển từ vốn vay lại sang cấp phát ngân sách nhà nước đối với các dự án, qua đó tháo gỡ căn bản tình trạng bị treo vốn ODA, vốn ngân sách, ngay từ tháng 10/2020, VEC đề xuất tới các cơ quan chức năng một giải pháp “tạm” để có nguồn trả nợ cho các nhà thầu Nhật Bản tại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cụ thể, VEC đề nghị được tạm sử dụng nguồn thu phí từ các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các khoản tiền nhàn rỗi, chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để thanh toán khối lượng hoàn thành (đoạn sử dụng vốn JICA), trong đó thực hiện thanh toán ngay khoản chậm thanh toán 15 triệu USD cho các nhà thầu Nhật Bản. VEC chịu trách nhiệm trước pháp luật về cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay theo quy định.

“Đây là giải pháp tối ưu nhất để tái khởi động các gói thầu sử dụng vốn JICA trong bối cảnh ngân sách nhà nước không có nguồn cũng như cơ chế để hỗ trợ”, một lãnh đạo VEC cho biết.

Tuy nhiên, đề xuất này của chủ đầu tư không nhận được sự đồng thuận từ Bộ Tài chính, đặc biệt là từ CMSC - cơ quan chủ sở hữu VEC.

Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc ứng trước tiền thu phí của VEC để thanh toán cho nhà thầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng trả nợ của VEC theo phương án tài chính hòa chung dòng tiền tại 5 dự án đường cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặt khác, trong khi chủ trương chuyển từ vốn vay lại sang cấp phát ngân sách nhà nước với các dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị, Quốc hội) phê duyệt, thì ngân sách nhà nước đang phải ứng trả nợ thay. Cho đến nay, VEC vẫn còn vi phạm nghĩa vụ thanh toán với một số khoản vay thuộc trách nhiệm trả của nhà đầu tư này.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần xác định rõ cơ chế tài chính áp dụng cho VEC trong giai đoạn tới như thế nào. Việc nhà thầu Nhật Bản gặp khó khăn không phải là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng do việc đình trệ triển khai các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Trong Thông báo số 556/TB – BGTVT về cuộc họp về giải pháp nguồn vốn cho Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và các vướng mắc, khó khăn của các dự án do VEC làm chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị CMSC sớm có phương án giải quyết, chỉ đạo VEC thanh toán ngay cho các nhà thầu Nhật Bản.

“Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho VEC có cơ sở đàm phán, tái khởi động thi công Dự án sau khi nguồn vốn cho đoạn sử dụng vốn ADB đã cơ bản được tháo gỡ”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Tin bài liên quan