Quay cuồng với “ma trận” thông tin nhà đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin đóng vai trò dẫn dắt dòng tiền đầu tư, song trên thực tế, minh bạch thông tin vẫn là vấn đề lớn của thị trường nhà đất.

Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), trung bình hàng quý, người đọc có thể tiếp cận ít nhất 8-10 báo cáo từ các đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản, chưa bao gồm hàng chục báo cáo đơn lẻ (có cả phần thống kê, phân tích chung toàn ngành) từ các đơn vị “ngoài ngành” như các công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư...

Điều đáng nói, có sự khác biệt lớn trong các dữ liệu công bố khiến người đọc như rơi vào “ma trận”, không biết đâu là đúng, là sai. Không những vậy, thông tin thị trường trong các báo cáo nghiên cứu được công bố bởi một số doanh nghiệp còn chứa các thông tin quảng cáo, định hướng người đọc đến các sản phẩm, dự án bất động sản của chính doanh nghiệp hoặc đối tác, nhà tài trợ cho báo cáo nghiên cứu. Những thông tin này không được tách thành trang quảng cáo riêng mà được lồng ghép, “cài cắm” trong dữ liệu báo cáo.

“Vấn đề là thông tin dù được cài cắm, nhưng cần thiết cho người môi giới đi tư vấn khách hàng, nhiều khi họ không quá quan tâm tới nguồn thông tin có chính thống hay không, mà chỉ cần thấy thông tin đó có lợi như giá khu vực đó tăng… và càng mong thông tin này được lan rộng”, ông Tuấn Anh - giám đốc một đơn vị phân phối tại Nha Trang cho hay.

Hiện tại, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi vừa mới thông qua đều xác định trách nhiệm công bố thông tin thị trường bất động sản thuộc về Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, tự khảo sát và đưa ra báo cáo thị trường, dẫn tới khó tránh khỏi việc một số doanh nghiệp lợi dụng quyền được công bố thông tin để điều hướng dư luận, dẫn dắt sai lệch phục vụ lợi ích riêng. Điều này vừa làm méo mó dữ liệu về thị trường bất động sản, vừa ảnh hưởng đến các chủ thể tham gia thị trường.

Pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, tự khảo sát và đưa ra báo cáo thị trường, dẫn tới khó tránh khỏi việc một số doanh nghiệp lợi dụng quyền được công bố thông tin để điều hướng dư luận, dẫn dắt sai lệch phục vụ lợi ích riêng.

Tại kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn trao đổi và đề xuất cơ quan soạn thảo phải làm rõ quy trình kiểm soát mức độ công bố thông tin có thể gây nhiễu thị trường, đặc biệt là hành vi thao túng giá tại Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và các nghị định, thông tư hướng dẫn sau này.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Đồng Nai), việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc, mà còn dùng giá dự án này để “kích” dự án khác, từ đó đẩy mặt bằng giá bất động sản lên rất cao. Nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành “bong bóng” trên thị trường.

Ở một góc độ khác, thông tin thiếu minh bạch còn ảnh hưởng tới quá trình kêu gọi thu hút đầu tư. Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 cho thấy, trên cả nước, số lượng địa phương được ghi nhận có khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch đất đai ở mức cao chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn chỉ ở mức trung bình hoặc thấp, cá biệt có những nơi không thay đổi trong nhiều năm. Chưa kể, việc chậm cập nhật thông tin còn khiến các doanh nghiệp loay hoay trong quá trình triển khai dự án.

Trong khi đó, trên thế giới, các phương thức báo cáo, tổng hợp và chia sẻ dữ liệu về nhà đất khá rõ ràng và có khung pháp luật điều chỉnh cụ thể. Chẳng hạn, tại Điều 1 - Luật Đăng ký bất động sản của Nhật Bản quy định: “Bộ luật này hướng tới mục đích bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đảm bảo giao dịch an toàn, thuận lợi dựa trên những quy định về cơ chế đăng ký, công khai thông tin bất động sản và quyền lợi liên quan đến bất động sản”. Thông tin đăng ký đất đai ở Nhật Bản được công khai và người dân được phép tiếp cận thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

TS. Trần Xuân Lượng, chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, điều quan trọng nhất là phải thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên thông giữa cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với hệ thống thông tin đất đai và các ngành khác như đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, chứng thực đấu giá, thi hành án dân sự…, từ đó mới đảm bảo xây dựng được một hệ thống thông tin đầu vào chuẩn để cả cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp đều có thể chủ động khai thác và sử dụng theo nhu cầu của mình.

“Ở đây, phải làm chặt chẽ quy định về chế độ bắt buộc báo cáo định kỳ của các tổ chức có liên quan, từ đó dần hình thành nên dữ liệu chuẩn thông tin về bất động sản quốc gia”, ông Lượng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan