Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3.037 gói thầu được thực hiện đấu thầu với tổng giá trị 4.417,834 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu 4.235,588 tỷ đồng. Qua đấu thầu đã giảm được 182,246 tỷ đồng so với giá gói thầu, bằng 4,12% tổng giá trị các gói thầu.
Trong đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển có 2.504 gói thầu với tổng giá trị 2.689,376 tỷ đồng, giá trị trúng thầu là 2.660,6 tỷ đồng, giảm 28,756 tỷ đồng.
Các dự án sử dụng vốn mua sắm thường xuyên có 512 gói thầu với tổng giá trị 867,086 tỷ đồng, giá trị trúng thầu là 768,630 tỷ đồng, giảm 98,456 tỷ đồng.
Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ có 18 gói thầu với tổng giá trị 314,83 tỷ đồng, giá trị trúng thầu là 312,662 tỷ đồng, giảm 2,168 tỷ đồng.
Các dự án mua sắm tập trung có 3 gói thầu với tổng giá trị 546,542 tỷ đồng, giá trị trúng thầu là 493,676 tỷ đồng, giảm 52,86 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, tại các gói thầu, hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu, có 248 gói thầu, tổng giá trị các gói thầu 3.431,337 tỷ đồng, chiếm 77,67% tổng giá trị các gói thầu được thực hiện đấu thầu trên địa bàn tỉnh.
Tổng giá trị trúng thầu là 3.267,054 tỷ đồng; giảm 164,283 tỷ đồng, tương đương 4,79% so với giá gói thầu. Trong đó, tất cả 248 gói thầu đều được thực hiện đấu thầu qua mạng (chiếm 100% tổng số gói thầu hình thức rộng rãi).
Với hình thức chào hàng cạnh tranh, có tổng cộng 342 gói thầu với tổng giá trị 471,041 tỷ đồng, chiếm 12,17% tổng giá trị các gói thầu được thực hiện đấu thầu trên địa bàn tỉnh; tổng giá trị trúng thầu là 453,870 tỷ đồng - giảm 17,171 tỷ đồng, tương đương 3,65% so với giá gói thầu. Tất cả 342 gói thầu này đều được thực hiện đấu thầu qua mạng (chiếm 100% tổng số gói thầu).
Cũng trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị không có hình thức đấu thầu hạn chế. Số gói thầu còn lại là chỉ định thầu rút gọn và tự thực hiện có 2.447 gói thầu, tổng giá trị các gói thầu 515,456 tỷ đồng, chiếm 13,31% tổng giá trị các gói thầu được thực hiện trên địa bàn tỉnh; tổng giá trị trúng thầu là 514,664 tỷ đồng; giảm 792 triệu đồng, tương đương 0,15% so với giá gói thầu.
Quảng Trị cũng có 6 gói thầu được áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng giá gói thầu là 71,676 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Nghiệm, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị đánh giá, trong năm 2023, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với các công trình, dự án được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và nội dung quy định của pháp luật về đấu thầu. Tính cạnh tranh và hiệu quả trong đấu thầu được nâng lên. Tỷ lệ giá trúng thầu giảm so với giá gói thầu là 4,12% - tăng 2,02% so với năm 2022).
Trình tự, thủ tục trong việc lập, phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đăng tải thông tin đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; báo cáo đánh giá, thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu,… được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, công khai đúng quy trình quy định.
"Điều này đã tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả đáng kể, lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm chất lượng công trình cũng như rút ngắn thời gian thi công, bên mời thầu thể hiện được trách nhiệm, vai trò của mình trong việc lựa chọn nhà thầu, chủ động trong quá trình lựa chọn nhà thầu và triển khai thực hiện hợp đồng, hoạt động đấu thầu dần đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về hoạt động đấu thầu", ông Nghiệm cho biết.
Cũng theo ông Nghiệm, trong năm 2023, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được lồng ghép nội dung về đấu thầu trên địa bàn tỉnh là 9 lần. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, chỉ ra những sai phạm của các đơn vị để chấn chỉnh, xử lý theo quy định, cụ thể như: Không tổ chức lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn bước chuẩn bị đầu tư; không thực hiện đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá năng lực nhân sự, kinh nghiệm chưa phù hợp; thành phần tổ chuyên gia thẩm định, đánh giá Hồ sơ dự thầu chưa đảm bảo…
"Qua kiểm tra đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, giúp các đơn vị khắc phục những tồn tại và đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác đấu thầu, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, các chủ đầu tư, bên mời thầu đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đấu thầu", ông Nghiệm cho hay.