Hợp đồng tương lai quặng sắt Singapore đã giảm xuống dưới 90 USD/tấn vào đầu tuần này - mức thấp nhất trong gần hai năm - do sự suy thoái của ngành thép Trung Quốc khiến thị trường dư cung. Giá quặng sắt đã giảm hơn 30% từ đầu năm tới nay, dẫn tới những ý kiến về việc liệu giá phải thấp đến mức nào để buộc phải đóng cửa các mỏ và đưa nguồn cung trở lại mức phù hợp với nhu cầu.
Các công ty khai khoáng toàn cầu như BHP Group và Rio Tinto Group tại Úc và Vale SA của Brazil thống trị nguồn cung và không có khả năng cắt giảm sản lượng vì tính kinh tế theo quy mô và chi phí thấp. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá là thách thức đối với nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn, đặc biệt là ở Ấn Độ, đồng thời cũng đe dọa cả những công ty nhỏ hơn từ Brazil đến Mông Cổ.
"Chúng ta cần loại bỏ khoảng 100 triệu tấn để cân bằng thị trường này và để làm được điều đó, chúng ta cần giá ổn định ở mức 80 USD", Ian Roper, nhà phân tích tại Kallanish Consulting Services cho biết.
Diễn biến giá quặng sắt |
Trung Quốc là nước mua quặng sắt lớn nhất thế giới, nhập khẩu gần 1,2 tỷ tấn vào năm ngoái để sản xuất thép, nhưng ngành công nghiệp này đang suy thoái nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thị trường bất động sản.
Hiện nay, thị trường đang dần chấp nhận rằng sản lượng thép của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh và sự chậm lại mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng trong năm nay đã gây áp lực lên giá nguyên liệu thô. Có khoảng 150 triệu tấn quặng sắt đang chất đống tại các cảng của Trung Quốc và là mức cao nhất từ trước đến nay trong mùa này, điều này càng làm tăng áp lực lên giá quặng sắt.
BHP lập luận rằng bất kỳ mức giảm nào xuống dưới 100 USD đều không có khả năng kéo dài vì phần lớn nguồn cung sẽ chịu áp lực dưới ngưỡng đó. Nhu cầu thép của Trung Quốc tăng mạnh hơn sau thời gian trì trệ vào mùa hè cũng có thể hỗ trợ giá.
Erik Hedborg, nhà phân tích chính tại công ty tư vấn CRU Group cho biết: "Chúng tôi dự kiến một số phản ứng về nguồn cung sẽ diễn ra trong tháng tới hoặc lâu hơn, chẳng hạn như từ Brazil và Ấn Độ… Chúng tôi nhận thấy rất nhiều hoạt động xuất khẩu với chất lượng thấp hơn từ hai quốc gia này và quan điểm của chúng tôi là đây là loại nguồn cung sẽ biến mất rất nhanh khi điều kiện thị trường yếu".
Ấn Độ từ lâu đã là nhà cung cấp quặng sắt chính cho ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc, với các lô hàng tăng và giảm tùy theo nhu cầu. Các mỏ trong nước của Trung Quốc từng rất nhạy cảm với giá, nhưng giờ đây chúng không còn là yếu tố quan trọng nữa vì nguồn cung đã giảm và hầu hết các mỏ đều do các nhà máy nhà nước chi phối.
“Một số nhà sản xuất nhỏ sẽ không phản ứng ngay với những thay đổi về giá, đặc biệt là nếu quốc gia của họ phụ thuộc vào doanh thu xuất khẩu”, Chen Guanyin, nhà phân tích của Mysteel Global cho biết. Ông cho biết nguồn cung từ các mỏ do Trung Quốc sở hữu ở nước ngoài - các khoản đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào các mặt hàng nhập khẩu khác - cũng có khả năng được đảm bảo.
Tập đoàn thép Baowu của Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - cho biết, ngành công nghiệp này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn so với suy thoái kinh tế năm 2008 và 2015 khi nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc suy giảm do sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản. Trong khi xuất khẩu và tăng trưởng trong các lĩnh vực khác đang làm giảm bớt tác động, thì việc cắt giảm sản lượng thép đã khiến thị trường quặng sắt rơi vào tình trạng dư cung.
Các nhà phân tích kim loại tại Citigroup cho biết, lạm phát cơ bản của Trung Quốc vừa giảm xuống mức yếu nhất trong hơn ba năm, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu suy yếu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Tuy nhiên, hoạt động mua thép thường được nối lại sau mùa hè, điều này có thể giúp các nhà máy duy trì hoạt động.
Kaan Peker, nhà phân tích thị trường vốn tại Royal Bank of Canada cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng giá quặng sắt sẽ nhận được một số hỗ trợ từ giữa tháng 9 trở đi khi mùa xây dựng mùa thu ở Trung Quốc bắt đầu, cũng như việc bổ sung hàng hóa theo mùa trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng".