Quảng Ninh ứng biến, doanh nghiệp than khổ

(ĐTCK) Trong nỗ lực mới nhất nhằm hạn chế hiện tượng bong bóng bất động sản và phá vỡ quy hoạch chung, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có thông báo gửi các sở gồm Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các huyện, thành phố về việc kiểm soát các dự án phát triển đô thị trên địa bàn.

Với lý do thị trường nhà ở đang trong tình trạng cung vượt quá cầu, UBND tỉnh này yêu cầu các địa phương rà soát các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và nhà ở để đánh giá, thống kê số lượng ô đất, căn hộ chưa sử dụng và chưa kinh doanh được.

Trên cơ sở thời gian thực hiện quy hoạch chung của từng địa phương, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành quyết định chi tiết về lộ trình thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch và công bố công khai để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương không đề xuất đầu tư mới các dự án mà thực tế chưa có nhu cầu sử dụng, dẫn đến hình thành các đô thị không có người ở, gây lãng phí nguồn lực từ đất đai cũng như nguồn lực xã hội.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều động thái nhằm siết chặt việc cấp phép các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Trong một văn bản gửi UBND TP. Hạ Long ngày 21/8/2019 về việc triển khai các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ trương hạn chế phát triển đô thị ở một số khu vực.

Quyết định này ngay lập tức đã có tác động mạnh đến thị trường bất động sản tại Quảng Ninh.

Trên nhiều diễn đàn thảo luận công khai và qua trao đổi trực tiếp với người viết của một số đại diện chủ đầu tư, đơn vị môi giới, ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy sự lo lắng bao trùm lên thị trường. Không chỉ lo ngại về sự sụt giảm thanh khoản thị trường tương tự như điều đang diễn ra tại TP.HCM khi nguồn cung sụt giảm mạnh, không ít doanh nghiệp cũng than vãn về cách "ứng biến" của tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng, với công văn mang nặng tính chất can thiệp hành chính vào thị trường nói trên, chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh dường như đi ngược với cơ chế thị trường.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, nếu việc phát triển dự án mới bị cấm với căn cứ khá cảm tính là “thực tế chưa có nhu cầu sử dụng” thì vô hình trung, chủ đầu tư các dự án đã được cấp phép sẽ hưởng lợi lớn do nguồn cung siết lại. Đồng thời, nguyên tắc mọi thành phần trong xã hội được phép đầu tư, kinh doanh một cách hợp pháp sẽ bị vi phạm.

Điều đáng nói hơn cả, các doanh nghiệp cũng tỏ rõ sự lo lắng khi cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Quảng Ninh ban hành một chính sách nặng tính hành chính như vậy.

Chẳng hạn, hồi tháng 5/2018, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã từng có công văn khẩn cấp gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét lại quyết định bất ngờ tạm ngưng hoàn toàn mọi giao dịch đất đai tại huyện Vân Đồn của tỉnh này.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dù rất ủng hộ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhưng việc dừng mọi giao dịch mua bán nhà đất để chờ phê duyệt quy hoạch lại đi ngược với quy định của Luật Đất đai cũng như Luật Kinh doanh bất động sản.

Hậu quả của chính sách này khá nhãn tiền khi tại Vân Đồn, các giao dịch đã dừng…và gần như "dừng hẳn luôn" đến bây giờ dù lệnh cấm đã gỡ!

Điều này cho thấy, việc yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh dừng đề xuất đầu tư mới các dự án có lẽ chưa hoàn toàn chính xác và cần xem xét lại.

Cũng cần nói thêm, trong căn cứ mà tỉnh Quảng Ninh đưa ra mới chỉ ở vế đầu khi cho biết về số lượng dự án hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai, chứ chưa có số liệu so sánh liệu thực sự sức cầu về nhà ở có thấp hơn so với nguồn cung hay không. Đồng thời, việc lấy "chênh lệch cung cầu" để làm lý do cho việc chậm triển khai một số dự án hạ tầng cũng khiến nhiều thành viên thị trường thấy không thực sự hợp lý.

Thực tế, ngoại trừ các dự án triển khai theo hình thức BT thì có thể hiểu được quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là nhằm hạn chế việc chủ đầu tư "xí đất" rồi không làm hạ tầng, nhưng với các dự án triển khai theo hình thức đấu giá và tự lập quy hoạch thì có vẻ hơi "oan ức" cho các doanh nghiệp đến sau.

Đồng thời, tư duy “không quản được thì cấm” rất có thể sẽ khiến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương này mất điểm trong mắt các doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan