Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp công văn của Văn phòng Chính phủ liên quan tới chủ chương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hạ Long (khu vực phía Tây thành phố Hạ Long) theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh tại văn bản số 5516 ngày 02/8/2018 là có cơ sở.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết về nội dung báo cáo điều chỉnh cục bộ cũng cần phải làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể, cần đánh giá hiện trạng sử dụng đất, yếu tố cảnh quan, môi trường tự nhiên của khu vực dự kiến điều chỉnh cục bộ, để xác định rõ quy mô sử dụng đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng phát triển đô thị; tình hình thực hiện và quản lý quy hoạch khu vực phía Tây thành phố Hạ Long.
Cũng theo Bộ này, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ cần đảm bảo không ảnh hướng lớn đến tính chất, ranh giới, định hướng của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long được phê duyệt (năm 2013)…
Ngoài ra, cần đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh cục bộ đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường cảnh quan tự nhiên của thành phố Hạ Long; tác động của đề xuất giảm mặt nước sang phát triển đô thị dẫn đến giảm không gian mặt nước, nuôi trồng thủy sản, tiêu thoát nước mưa, vùng sinh thái tự nhiện…; các giải pháp tổ chức không gian, bảo vệ môi trường tự nhiên khu vực ven biển và kế hoạch, nguồn lực thực hiện khu vực điều chỉnh.
Để phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 2050 đang thực hiện, Bộ Xây dựng cho rằng khu vực điều chỉnh cục bộ phải đảm bảo gắn kết không gian đô thị hiện hữu, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, tăng đất cây xanh thể dục thể thao, đất đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch hạn chế tác động môi trường cảnh quan chung thành phố Hạ Long.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng lưu ý, khi thực hiện điều chỉnh cục bộ cần được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Trước đó theo UBND tỉnh Quảng Ninh, quy hoạch cũ của thành phố Hà Long đã không còn phù hợp với thực tiễn đổi mới và phát triển và tồn tại nhiều bất cập.
Định hướng quy hoạch tại một số khu vực chưa phát huy tối đa các lợi thế hoặc có những bất cập với hiện trạng cần phải xem xét, điều chỉnh lại để đảm bảo chiến lược phát triển bền vững.
Theo kế hoạch, Hạ Long sẽ gồm 20 phường với diện tích đất tự nhiên là 277,5Km2 với ranh giới phía Bắc giáp huyện Hoành Bồ, phía Nam giáp Vịnh Hạ Long, phía Đông giáp TP Cẩm Phả và phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, TP Hải Phòng. Trong đó, các khu vực lân cận Hạ Long gồm 4 xã thuộc phía Nam huyện Hoành Bồ và 2 xã thuộc thị xã Quảng Yên.
Mục tiêu điều chỉnh lại quy hoạch của Hạ Long được lãnh đạo Quảng Ninh giải thích là nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế theo hướng phát triển bền vững, tiến tới là một đô thị thông minh, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong đó, quy mô dân số năm 2017 là 384.000 người; đến năm 2030 dự báo khoảng 570.000 người; đến năm 2040 khoảng 720.000 người. Nhu cầu sử dụng đất dân dụng khoang 110-130m/người; đất công cộng đô thị khoảng 5-7m2/người; đất cây xanh 10-15m2/người và đất đơn vị ở là 40-50 m2/người.
Hiện, UBND Quảng Ninh đang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng phát triển đô thị, xác định những tồn tại bất cập của thành phố Hạ Long để điều chỉnh quy hoạt trên cơ sở xử lý, khắc phục những hạ chế, đảm bảo việc phát triển một cách đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, có tầm nhìn bền vững của một đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cập nhật các đề xuất mới về hạ tầng như hầm đường bộ qua Vịnh cửa Lục, đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả; đường sắt cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, kết nối khu vực dự kiến là "đặc khu" Vân Đồn…