Con đường màu nắng và ký ức “”5 không””
Con đường độc đạo từ thị trấn Trới lên đến trụ sở UBND xã Kỳ Thượng đã được đổ bê tông, rộng 7 m, xe đi lại khá là êm, nhưng thi thoảng xe chúng tôi lại phải nép vào bên đường để tránh những chiếc xe tải chất đầy cây gỗ keo vừa mới được thu hoạch chạy từ phía Kỳ Thượng. Đường đẹp nên nơi vẫn được coi là “thâm sơn, cùng cốc” của tỉnh Quảng Ninh chỉ cách TP. Hạ Long gần 2 tiếng chạy xe.
Đi qua phường Hoành Bồ (trước là thị trấn Trới), chúng tôi bắt đầu quãng đường leo đèo rồi lại đổ đèo. Hệt như như những cung đường Tây Bắc, chỉ có điều, nơi đây, trong cái nắng khá gay gắt của buổi trưa cuối tháng 8, con đường bê tông như một dải lụa màu nắng cứ theo bánh xe lăn mà liên tục xẻ đôi cánh rừng xanh trải đến hút tầm mắt.
Bản sắc văn hóa người Dao (tại 2 xã Đồng Sơn - Kỳ Thượng) và Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng với sự đa dạng động vật, thực vật bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo những điểm nhấn đặc biệt.
Đón chúng tôi ngay cổng trụ sở là ông Linh Du Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Thay cho một lời chào, ông hỏi: “Nhà báo đi đường có vất vả không?”. Chúng tôi đáp: “Đường đi tốt ạ. Nhưng thỉnh thoảng giật mình vì đường vẫn hẹp quá. Gặp xe đi ngược chiều, thì cứ phải lựa sát lề đường mới tránh được nhau”.
Nghe chúng tôi nói vậy, ông Hồng hồ hởi khoe: “Không lâu nữa đâu, đường sẽ được mở rộng lên 15 m. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần lên thị sát trên này bàn việc mở rộng đường để tăng kết nối với địa phương khác. Phương án đào hầm xuyên núi cũng đã được tính tới để bảo vệ rừng”. Vừa cùng đi vào trong sân, ông Hồng vừa cho biết, trước năm 2003, đi từ Đồng Lâm lên Kỳ Thượng là con đường mòn, xe máy chỉ đi được khi trời nắng, đường khô, năm 2003, đường đất đã được mở rộng và xe ô tô có thể lưu thông. Đến năm 2006, đường được bê tông hoá từ nguồn vốn của Chương trình 135. Đến 2007, đường làm xong đến tận UBND xã.
Rất nhanh chóng, ông Hồng đưa chúng tôi tới thôn Khe Phương, nơi từng là thôn “5 không” của Kỳ Thượng. Không điện, không đường, không nước sạch, không trạm phát sóng, không trường học kiên cố. Ngày trước, cứ mỗi bận mưa là đường vào thôn bùn lầy ngập đến quá đầu gối.
Nhưng đó là chuyện của hơn chục năm trước. Bằng nguồn vốn của Chương trình 135 và nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng cái “không” đã lần lượt được xoá bỏ.
Anh Bàn Văn Vy, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Khe Phương cho biết, năm 2009 có đường điện; năm 2010, công trình tưới tiêu đã được xây dựng để phục vụ bà con; trường học thì giai đoạn 2011-2012 đã được đầu tư. Đến 2017, hơn 2,3 tỷ đồng đã được dùng cho việc xây dựng công trình nước sạch. Đây cũng là năm là con đường bê tông dài 9 km dẫn từ trụ sở xã về đến thôn Khe Phương được xây dựng, với mức vốn gần 30 tỷ đồng từ Chương trình 135 và con đường mong ước đó được hoàn thành năm 2019. “Có đường đi lại tốt, giá keo người dân bán cũng tăng gấp đôi, từ 40 triệu đồng/ha lên hơn 80 triệu đồng”, anh Vy nói.
Đến hết năm 2021, Khe Lương là thôn cuối cùng của Kỳ Thượng không còn hộ nghèo hay cận nghèo và cả xã Kỳ Thượng cũng theo đó đưa được tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 về 0% (năm 2010, tỷ lệ này là 9,35%).
Cũng năm 2021, xã Kỳ Thượng, nơi cao nhất của TP. Hạ Long còn có 2 ngồi trường mới đạt chuẩn quốc gia, với đầy đủ trang thiết bị dạy học được khánh thành. “Đó là niềm tự hào của xã chúng tôi”, ông Hồng nói. Với ngôi trường mới và con đường bê tông vào tận thôn Khe Phương, đã giúp giấc mơ từ thời còn bé là được đạp xe đi học của chị Lý Thị Năm, sau hơn 20 năm, đã trở thành hiện thực với con chị - khi bé Bàn Lý Ngọc Trân 9 tuổi.
Với chị Năm và rất nhiều người dân của Khe Phương, cảnh trời mưa, bùn ngập đến đầu gối người lớn, hay việc phải chuẩn bị cơm nắm, đi bộ từ 5 giờ sáng, theo đường mòn, băng qua rừng trọn ngày để bắt xe xuống dưới huyện đi học đã là chuyện của dĩ vãng.
Giữ lại màu xanh cho đất
Chúng tôi, những người sinh, sống ở thành phố, lên đây cứ suýt xoa thích thú về màu xanh cây lá, không khí trong lành của rừng, núi. Nhưng chúng tôi cũng lo nơi đây sẽ không giữ được cái sự bình yên này, bởi Dự án Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh Kỳ Thái Vinpearl Safari Hạ Long đang được lập quy hoạch, giới đầu cơ, môi giới bất động sản sẽ “khuấy động” cuộc sống của người dân nơi đây. Biết được suy nghĩ của chúng tôi, ông Hồng cười và nói: “Họ đã đến và phải quay về tay không rồi”.
Rồi ông kể. Từ giữa năm 2020, khi xuất hiện thông tin Tập đoàn Vingroup tới địa phương nghiên cứu, lập quy hoạch dự án, giới đầu tư bất động sản cũng tìm về Kỳ Thượng với ý định thu gom đất ở nông thôn, thậm chí cả đất lâm nghiệp.
Nhưng lãnh đạo xã, rồi nhiều người dân đều chung tâm trạng, trăn trở. Bán đất!? Bán rồi thì sẽ ở đâu, làm gì để sống? Bán xong, thu được cả cục tiền về, tiêu rồi cũng hết, nhưng không còn đất mà làm ăn nữa. Giờ mỗi năm, thu nhập từ trồng keo, nuôi gà, trồng lúa, lấy mật... cũng cho thu nhập gần 60 triệu đồng/người/năm. Còn đất, khi dự án phát triển, bà con xây nhà cho khách du lịch thuê.
Đó là những lý lẽ mà cán bộ nơi đây dùng để thuyết phục người dân của mình. Vì thế, bà con quyết giữ đất để sinh sống, tìm hướng phát triển. Hơn nữa, với minh chứng từ sự thành công của dự án làm du lịch trên chính mảnh đất của nhà anh Bàn Văn Vy, giới đầu tư, đầu cơ bất động sản đã phải “bó tay” khi đến với xã Kỳ Thượng
Trước đây, khi được giao đất, giao rừng, người dân Kỳ Thượng chủ yếu là trồng keo và chỉ 5 năm là cho thu hoạch, tuy vậy, cây keo làm đất bạc màu, làm nghèo rừng, nhất là sau mỗi kỳ thu hoạch, những mảng rừng lại trơ trọi đất. “Bám sát những chủ trương của Nghị quyết 337/2201/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 06-ND/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh này, từ tháng 4/2021, xã đã có văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn xã”, ông Hồng cho biết.
Và cây quế là loại cây được xã ưu tiên lựa chọn và khuyến khích người dân trồng chuyển đổi do hợp thổ nhưỡng, giá trị kinh tế lại cao gấp 3 lần cây keo. Ngoài ra, các loại cây gỗ quý như lim, dổi, lát cũng được khuyến khích trồng. Năm 2021, mới chỉ 2,6 ha quế được 3 hộ dân trồng, thì đến nay đã có 22 hộ trồng, với quy mô đã lên đến 47,5 ha, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ người dân mua giống là hơn 3 tỷ đồng. Cùng với quế, cũng đã có 3 ha trồng dổi trên diện tích đất cho UBND xã quản lý.
Hướng đi đã mở
Đường thông đã mở ra nhiều cơ hội mới làm giàu cho người dân. Anh Lý Tài Ngân là một trọng những điển hình về phát triển kinh tế của thôn Khe Phương với một trong những dự án rất thành công của anh chính là Khu du lịch Am Váp Farm.
Gọi là khu du lịch cho sang, nhưng quy mô của Am Váp Farm chỉ rộng chừng 300 m2, cũng là diện tích sân của nhà anh Vy trưởng thôn. Sau 2 năm xây dựng, anh Ngân, anh Vy cùng 4 người bạn khác của mình đã dựng lên 2 ngôi nhà sàn với 4 phòng lưu trú tập thể, có sức chưa tối đa khoảng 40 người, cùng một nhà hàng bằng gỗ. Những nét văn hoá đặc trưng thông qua trang phục, công cụ lao động của người Dao được sắp đặt khéo léo tại đây.
“Chúng tôi đang bàn với các hộ dân khác trong thôn xây dựng từ 1- 2 phòng lưu trú hoặc cho chúng tôi thuê lại đất để tạo thêm phòng ở cho du khách, có như thế chúng tôi mới dám ký hợp đồng với các công ty lữ hành để làm tour”, anh Ngân chia sẻ. Nếu ý định này thành công, người dân Khe Phương sẽ không chỉ có thêm thu nhập từ việc cho khách tham quan nhà ở và bán nông sản như hiện này, mà còn từ việc làm dịch vụ lưu trú.
Câu chuyện này khiến chúng tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký. Khi đó là đầu năm 2020, mới thực hiện sáp nhập huyện Hoàng Bồ và TP. Hạ Long.
“Việc hình thành đô thị loại I lớn nhất với diện tích và số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh lớn nhất, không quan trọng bằng việc sẽ có một thành phố đặc biệt với một địa hình độc đáo nhất - vừa có di sản kỳ quan, vừa có biển, vừa có sông, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng và có rừng. Sự độc đáo về địa hình, về văn hóa sẽ tạo ra những nét độc đáo về du lịch. Trong đó, bản sắc văn hóa người Dao (tại 2 xã Đồng Sơn - Kỳ Thượng) và Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng với sự đa dạng động vật, thực vật bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo những điểm nhấn đặc biệt”, ông Ký đã nhận định như vậy.
Và cũng chính ông Ký đã nói rằng: “Chỉ có nhờ ngành du lịch thì người dân ở những vùng còn hạn chế, vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn mới có sự phát triển nhanh, bền vững và vẫn giữ được bản sắc, văn hoá bản địa, bảo vệ tốt tài nguyên tự nhiên, giúp người dân ly nông bất ly hương”. Đó là mục đích rất tốt đẹp!
Giấc mơ của lãnh đạo, người dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP. Hạ Long nói riêng nhằm đưa nơi "thâm sơn, cùng cốc" này lên bản đồ du lịch, kết nối với vịnh Hạ Long đã dần hiển hiện. Bởi nơi đây đang có những dự án tầm cỡ, như Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch Safari Hạ Long. Đường nối cầu Cửa Lục 1 với tên Cầu Tình Yêu đã xong, cầu Cửa Lục 3 đang dần được hình thành và cầu Cửa Lục 2 cũng sẽ sớm được khởi công.
Ý Đảng hợp lòng dân tạo nên một Kỳ Thượng bừng bừng sức sống.