Quảng Ninh
Khu công nghiệp Đông Mai. Ảnh: Internet. |
Quảng Ninh đang là cái tên sáng giá trong việc vươn mình trở thành thị trường khu công nghiệp mới đầy tiềm năng, ngoài các thị trường truyền thống ở phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích là 12.899,5 ha (10 khu công nghiệp thuộc địa bàn các khu kinh tế). Tính riêng năm 2021, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp là 828,07 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án đầu tư thứ cấp thuê để thực hiện dự án là 596,78 ha, diện tích đất công nghiệp hiện có thể sẵn sàng cho thuê là 506 ha.
Đặc biệt, Quảng Ninh có khu kinh tế ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133 ha, bao gồm 58.183 ha diện tích đất tự nhiên và 158.950 ha diện tích mặt biển và khu inh tế ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303 ha. Đây là những nền tảng quan trọng để Quảng Ninh bứt tốc, trở thành một thế lực mới ở thị trường bất động sản khu công nghiệp.
Trao đổi cùng Tinnhanhchungkhoan.vn về tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh trong lĩnh vực khu công nghiệp, ông Ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận Dịch vụ Khu công nghiệp Colliers Việt Nam cho rằng, Quảng Ninh đang có 3 lợi thế so sánh với các địa phương trong khu vực phía Bắc. Đó là, lợi thế địa lý khi có các cửa ngõ thông ra biển, biên giới và các trung tâm kho bãi, logistics lớn; lợi thế về cơ sở hạ tầng với cảng nước sâu, sân bay, cao tốc, hệ thống hạ tầng hoàn thiện; lợi thế về tiềm năng và dư địa phát triển, có giá thuê cạnh tranh, chính sách ưu đãi thuế tốt,…
Tuy nhiên, theo ông Vũ, để phát biến các tiềm năng thành thế mạnh, Quảng Ninh cần có sự chung tay của 3 “nhà”: Nhà trường – Nhà doanh nghiệp – Nhà nước để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động tại địa phương cả về chuyên môn, ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của nhà đầu tư.
Hải Dương
Khu công nghiệp An Phát Complex. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Cùng với Quảng Ninh, Hải Dương cũng đang được biết đến như một điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp đồng bộ.
Hải Dương hiện có 11 khu công nghiệp hiện hữu, 6 khu công nghiệp mới triển khai năm 2021 (1.097 ha), 8 khu công nghiệp phát triển trong tương lai (1.890 ha) và 53 cụm công nghiệp (2.683 ha). Hải Dương sở hữu nguồn cung lớn và sẵn sàng cho các dự án đầu tư với quy mô đa dạng. Nguồn quỹ đất công nghiệp ở tỉnh vẫn dồi dào, được định hướng lên đến hơn 20.000 ha giai đoạn 2021-2030.
(Infographic) Hải Dương - thị trường khu công nghiệp mới tiềm năng
Vốn FDI rót vào tỉnh đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2021, với tổng số gần 500 dự án, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước. Với cơ cấu công nghiệp chiếm gần 55% GDP, Hải Dương định hướng đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp sẽ chiếm 64%.
Chỉ cách thủ đô Hà Nội 57 km, Hải Dương được xem là tỉnh có tiềm lực và dư địa phát triển kinh tế lớn. Nằm tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp vành đai kinh tế Bắc Bộ với lượng dân số chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Hải Dương đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư đang hoạt động.
Theo Cushman & Wakefield, ngoài các lợi thế lớn như: vị trí chiến lược; hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện địa; nguồn lao động dồi dào; môi trường đầu tư thuận lợi; môi trường sống an lành, Hải Dương còn sở hữu một vũ khí đặc biệt khác đó là quỹ đất công nghiệp dồi dào, giá đất công nghiệp cạnh tranh. Với hơn 20.000 ha quỹ đất, cộng với giá thuê đất công nghiệp tại Hải Dương hiện ở mức thấp so các địa phương khác trong khu vực , chỉ từ 65 - 85 USD/m2/kỳ hạn.
Ngoài ra, Hải Dương còn là tỉnh có sự bứt tốc ngoạn mục về PCI. Năm 2021, tỉnh vươn lên vị trí số 13 trong bảng thứ hạng, vượt 34 bậc so với năm 2020, nhờ vào chính sách thu hút thân thiện với nhà đầu tư và tính minh bạch cao. Những điều này khiến Hải Dương đang dần trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu quan tâm.
Bắc Giang
Một khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Internet. |
Nói đến thị trường khu công nghiệp mới nổi ở phía Bắc, không thể không nhắc đến Bắc Giang, một “tên tuổi” mới trong việc phát triển các dự án và đặc biệt là thu hút FDI.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, tính đến hết tháng 4/2022, Bắc Giang có 9 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó: có 08 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha; 05 khu công nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt, các Khu công nghiệp được quy hoạch nằm dọc theo Quốc lộ 1A mới Hà Nội – Lạng Sơn, đường tỉnh lộ 295, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển.
Mục tiêu của Bắc Giang đến năm 2030 sẽ có 29 khu công nghiệp, 65 cụm công nghiệp. Bắc Giang cũng đang quy hoạch và bố trí quỹ đất khoảng hơn 10.000 ha cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp.
8 tháng đầu năm, Bắc Giang thu hút được tổng vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, 22 dự án trong nước với vốn đăng ký là 5.551 tỷ đồng, 18 dự án FDI vốn đăng ký 269,63 triệu USD được cấp mới. 7 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 80,4 tỷ đồng và 29 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 527,77 triệu USD được điều chỉnh.
So với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư trong nước tăng một dự án, vốn đăng ký mới gấp 3,7 lần, do cấp mới hai dự án khu công nghiệp Yên Lư và khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng. Số dự án FDI cấp mới tăng 1 dự án, vốn đăng ký bằng 41,9% so với cùng kỳ; số vốn đăng ký bổ sung của các dự án FDI gấp 3,3 lần so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, với lợi thế vị trí chiến lược, miền Bắc có thể được xem là cánh tay nối dài của “công xưởng thế giới”. Không khó để thấy lý do vì sao có rất nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này. Nhu cầu công nghiệp đang tăng trưởng mạnh, các “ông lớn” trong và ngoài nước liên tục tìm kiếm và sẵn sàng rót hàng tỷ USD đầu tư vào thị trường công nghiệp miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh đang là những cái tên nổi bật.