Bài 3: Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhiều lần khẳng định: “Việc giải ngân vốn đầu tư công trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh là một động lực để tăng trưởng, là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội, sự chuẩn bị cho tăng trưởng trong dài hạn. Phải xem đây là công việc trọng tâm thường xuyên của các cấp, ngành, hệ thống chính trị”.
Do đó, ông Ký đã yêu cầu phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ngành, các chủ đầu tư, siết chặt kỷ cương kỷ luật, chống đình trệ, chống sợ trách nhiệm, chống đùn đẩy để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng tỷ lệ giải ngân đi đôi với chất lượng công trình, và đi liền với việc phòng chống tiêu cực, lãng phí.
“Bởi nếu chúng ta để chậm giải ngân vốn, để tạm ứng khối lượng lớn, chuyển nguồn lớn, huỷ dự toán là gần với quy định về lãng phí”, ông Ký nhấn mạnh.
Và đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Quảng xác định để giải quyết những nhóm nguyên nhân mang tính “cố hữu” trong giải ngân vốn.
Ông Nguyễn Xuân Ký kết luận, chỉ ra những nguyên nhân chính khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công. |
Tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các địa phương (Hạ Long, Hải Hà, Bình Liêu) vì đến hết thời điểm cam kết (10/6/2022) vẫn chưa phân khai chi tiết hết các nguồn vốn của địa phương.
Thực hiện giải pháp này, ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hạ Long cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2022, thành phố tập trung tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cấp ngân sách, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm.
Có thể thấy, trong những yếu tố gây “nghẽn mạch” giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Ninh, thì năng lực chuyên môn của cán bộ làm công công tác lập kế hoạch đầu tư công của các chủ đầu tư; hay như việc tư duy “lối mòn” của một số đơn vị chủ đầu tư, chưa bắt nhịp đồng thời với Luật Đầu tư công... chính là những vấn đề có thể giải quyết sớm nhất.
Theo kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, để giải quyết “điểm nghẽn” này, cần tổ chức hội nghị chuyên đề, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công, thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Hay với nhóm vấn đề về giải phóng mặt bằng, Quảng Ninh đã có rất nhiều dự án quy mô lớn, có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh như dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...; điều này đã giúp dự án phát huy được hiệu quả đầu tư.
Để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, Quảng Yên luôn ưu tiên việc hỗ trợ tái định cư, bồi thường thỏa đáng cho người dân. Trong ảnh: Nhà thầu đang tích cực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Phong Hải, TX. Quảng Yên. Ảnh Mạnh Trường. |
Ở góc độ của địa phương, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết: “Để công tác giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng thuận của người dân, thì chúng tôi đều luôn thực hiện công tác nắm bắt tâm tư, tư tưởng của người dân, thậm chí tính toán yếu tố thời điểm phù hợp sao cho đảm bảo tính nhân văn từ khâu chuẩn bị, lập dự án. Không thể chỉ còn 2 tuần nữa, ruộng của người dân được thu hoạch, mà ta lại đi mang máy móc đến san cả ruộng của người dân được”.
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Yên đã thực hiện giải phóng mặt bằng cho 38 dự án, tổng diện tích thu hồi gần 2.458 ha, với hơn 5.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, địa phương này cũng chưa có trường hợp nào phải tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất.
Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất lại là năm đầu tiên. Do vậy, Quảng Ninh đang đặc biệt chú trọng đẩy nhanh công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư (lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu…), để đảm bảo điều kiện bố trí nguồn vốn kế hoạch và thực hiện sớm các thủ tục giải ngân.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đưa vào hoạt động từ 1/9 tới đây là động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh. |
Với các dự án khởi công mới đã được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (12 dự án); và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương cần phải khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư.
Các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, đảm bảo việc thẩm định không quá 5 ngày/khâu thẩm định; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng,…
Rà soát và thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân 50% đến hết ngày 30/6/2022 cho các dự án có khả năng giải ngân cao, các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh...
Có như vậy, “căn bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới được khắc phục, đáp ứng cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Quảng Ninh nếu quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, tỉnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu giải ngân của năm vào cuối năm.