Quảng Ninh dành 4.000 tỷ đồng để thu hẹp chênh lệch vùng miền

0:00 / 0:00
0:00
4.000 tỷ đồng này sẽ được sử dụng để hỗ trợ hơn 162.000 người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Khu tái định cư khang trang tại thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Ảnh: Nguồn baoquangninh.com.vn

Khu tái định cư khang trang tại thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Ảnh: Nguồn baoquangninh.com.vn

HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trong 5 năm, ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương) để thực hiện chương trình. Riêng năm 2021, HĐND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội tạo sinh kế cho đồng bào.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh xác định, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đầu tàu dẫn dắt xuyên suốt trong quá trình triển khai các giải pháp, chương trình phát triển. Tuy nhiên, có những vấn đề phải giải quyết ngay, đó là khâu đột phá về phát triển, hoàn thiện kết cấu kinh tế - xã hội. Trước mắt, trong kế hoạch 2022, Ban Dân tộc đang đề xuất xây dựng tập trung xác định các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội tập trung cho 3 địa phương miền núi là Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà”.

Năm 2021, Quảng Ninh dành 200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng thiết yếu và tạo sinh kế cho đồng bào. Ảnh: Nguồn baoquangninh.com.vn
Năm 2021, Quảng Ninh dành 200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng thiết yếu và tạo sinh kế cho đồng bào. Ảnh: Nguồn baoquangninh.com.vn

Trước đó, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án 196 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135). Tổng nguồn vốn huy động được từ các nguồn lực xã hội theo đề án này là gần 1.800 tỷ đồng, mức bố trí vốn bình quân đối với 1 xã đặc biệt khó khăn/năm cao hơn khoảng 7 lần so với định mức Trung ương bố trí. Nhờ đó, Quảng Ninh đã cơ bản tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo, đầu tư hạ tầng nông thôn, miền núi, biên giới và địa bàn đặc biệt khó khăn.

Những mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Gần 500 hộ chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135 trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản so với các vùng miền khác vẫn còn khá lớn. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn cuối năm 2020 chỉ đạt 32,62 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh.

Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo còn cao so với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và mặt bằng chung của tỉnh. Trong số 833 hộ nghèo còn lại của tỉnh đến cuối năm 2020 thì có đến 555 hộ nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (chiếm 66,63%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo tại các xã mới đạt tiêu chí ra khỏi diện đặc biệt khó khăn cuối năm 2020 là 1,45% (cao gấp hơn 6 lần tỷ lệ hộ nghèo chung cả tỉnh là 0,23%).

Theo thông tin Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh nhưng cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh, và đều là những khu vực có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia.

Với nguồn kinh phí 4.000 tỷ đồng từ ngân sách, kết hợp với các nguồn lực huy động hợp pháp khác, Quảng Ninh đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2025, sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020.

Đến hết năm 2022, Quảng Ninh không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% số xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới… Sẽ có hơn 162.000 người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức đầu tư trên địa bàn được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Tin bài liên quan