Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Lễ công bố DDCI Quảng Ninh 2017. Ảnh: VGP/Thuý Hà

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Lễ công bố DDCI Quảng Ninh 2017. Ảnh: VGP/Thuý Hà

Quảng Ninh công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh địa phương 2017

Chỉ số này giúp tất cả các đơn vị tham gia đánh giá phân tích bức tranh chi tiết hơn về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là kết quả cụ thể nhất của chính sách nhất quán cầu thị và lắng nghe doanh nghiệp của chính quyền tỉnh.

Ngày 24/1, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI Quảng Ninh 2017 với chủ đề “DDCI và sự cầu thị của chính quyền thông qua sáng kiến SNA”.

Đây là năm thứ 3, tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện này với sự tham gia của 35 đơn vị gồm: 14/14 địa phương và 21 sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Theo chỉ số công bố năm nay, 5 địa phương xếp đầu bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh theo thứ tự là: Thị xã Cẩm Phả, Thị xã Quảng Yên, TP. Móng Cái, TP. Uông Bí và TP. Hạ Long. Xét riêng chỉ số thành phần trách nhiệm người đứng đầu, 3 địa phương xếp nhóm đầu theo thứ tự bao gồm TP. Móng Cái, TP. Hạ Long, huyện Ba Chẽ. 

Bên cạnh đó, 5 Sở, ban ngành xếp đầu bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2017 là Cục Hải quan, Sở KH&ĐT, Cục Thuế, Sở GD&ĐT, Ban Quản lý khu kinh tế.

Trong đó, Cục Hải quan được doanh nghiệp đánh giá cao trong hầu hết các chỉ số thành phần. Cục Thuế và Sở KH&ĐT tuy vẫn hiện diện trong nhóm dẫn đầu nhưng thực tế giảm điểm tuyệt đối so với năm 2016. Về chỉ số thành phần trách nhiệm người đứng đầu, 3 đơn vị xếp nhóm đầu theo thứ tự bao gồm Cục Hải quan, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, DDCI Quảng Ninh 2017 đã trưng cầu ý kiến doanh nghiệp thường niên, một mặt giúp tỉnh Quảng Ninh xác định những nút thắt trong công tác điều hành, mặt khác trực tiếp hỗ trợ tất các đơn vị tham mưu điều hành trong công tác lập kế hoạch, triển khai và chủ động đánh giá.

Quan trọng hơn nữa, thông qua DDCI, tỉnh Quảng Ninh mong muốn chuyển thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp cả nước và trong nội bộ tỉnh về tầm nhìn phát triển hướng đến môi trường văn minh đáng sống, môi trường kinh doanh minh bạch, công khai và tăng trưởng bền vững.

“Đổi mới tư duy, cầu thị lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp và hành động quyết liệt với những giải pháp thiết thực, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin đánh giá và bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2017 thực sự trở thành động lực cải cách tại Quảng Ninh trong những năm tới”, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chỉ số DDCI Quảng Ninh 2017 được thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của 1.500 doanh nghiệp bao gồm các công ty, hợp tác xã, hộ kinh doanh đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đánh giá 8 trụ cột chính của công tác điều hành kinh tế (tính minh bạch, tính năng động của hệ thống chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu).

Bộ chỉ số này cùng với chỉ số trách nhiệm người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt với công tác cải cách và phong cách năng động, quyết liệt, đề cao tính hiệu lực, hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh thông qua ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, sáng kiến lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp qua các kênh trực tuyến và Fanpage trên mạng xã hội Facebook với sự tham gia thí điểm của 18 đơn vị sở ngành và địa phương tỉnh Quảng Ninh là đột phá quan trọng về tư duy, công nghệ và tác phong công vụ. Một số vấn đề và thắc mắc của doanh nghiệp lần đầu tiên được ghi nhận và phản hồi ngay lập tức nhờ công cụ đánh giá và sự vào cuộc của các đơn vị thí điểm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, số điểm của các địa phương tại Quảng Ninh đạt được cao nhất là trên 7, điểm trung bình đạt 6, cho thấy tỉnh còn rất nhiều dư địa cải cách và có thể làm tốt hơn nữa để làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, DDCI Quảng Ninh năm nay có sự “thay da đổi thịt” hơn năm ngoái là đã có sự tham gia của DDCI Cục hải quan, đây là một bước tiên phong của tỉnh Quảng Ninh.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh 3 điều cắt giảm, 1 điều tăng trong DDCI địa phương đó là cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm phi chủ quản hoá (tức là cắt giảm vai trò của các cơ quan chính quyền với doanh nghiệp nhà nước), chuyển giao dịch vụ công và tăng cường thể chế pháp luật trong giai đoạn mới này... Những điều sẽ tạo ra dư địa cải cách rất nhiều cho các địa phương.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho biết, bộ chỉ số này là công cụ ít tốn kém, dễ làm, mà lại tác động ngay lập tức, vì vậy, các địa phương cần phải sử dụng bộ chỉ số này như một công cụ đầu tiên và trước tiên để đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, như vậy sẽ tạo động lực nội sinh, tạo sự bền vững của quá trình phát triển.

Hiện, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương, ngoài ra còn có các tỉnh, thành khác như: Đà Nẵng, Tuyên Quang, Lào Cai...

Tin bài liên quan