Từ ngày 24 đến 28/9, tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, diễn ra Hội chợ Trung Quốc - ASEAN 2024 (CAEXPO 2024), Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 21.
Được tổ chức từ năm 2004, CAEXPO đã trở thành một sự kiện xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giúp tăng cường liên kết các nước trong khu vực ASEAN- Trung Quốc. Hội chợ cũng là cơ hội tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự lễ Khai trương khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN 2024. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh. |
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),... Những hiệp định này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD. Năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt kim ngạch 38,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng sang Trung Quốc cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2013 – 2024.
Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 41 mặt hàng chủ lực sang Trung Quốc. Trong đó có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, với tổng giá trị 31,5 tỷ USD, chiếm 82% tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang nước này.
Điện thoại và linh kiện đứng đầu danh sách, là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 8,97 tỷ USD, dù giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu cũng đạt 7,84 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tại Quảng Tây, Việt Nam hiện có 140 doanh nghiệp đang đầu tư tại Quảng Tây với số vốn đăng ký đạt trên 186 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng công trình điện lực (26%), dự án giao thông vận tải (24%), dự án xây dựng thông thường (24%), dự án xây dựng công nghiệp (20%) và các dự án khác (6%). Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc là thị trường đầu tiên có kim ngạch hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD.
Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày.
Tham dự hội chợ lần này, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dẫn đầu cùng với lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương trên cả nước tham dự các hoạt động chính tại Hội chợ.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN 2024 (CAEXPO 2024). Ảnh: Quảng Ninh Portal |
Việt Nam có hơn 120 doanh nghiệp, đơn vị đến từ 22 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia trưng bày sản phẩm, dịch vụ với khoảng gần 200 gian hàng tiêu chuẩn. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các ngành hàng: Nông sản, thực phẩm chế biến, đầu tư du lịch, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm từ gỗ…
Trong đó, Quảng Ninh có 70 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao giới thiệu tại hội chợ như: Trà Đường Hoa; Trà hoa vàng Ba Chẽ; ruốc hải sản Bababi Vân Đồn; rượu ba kích, rượu mơ Yên Tử; trà dược liệu Đông Bắc. Ngoài ra, còn có khu trưng bày, giới thiệu các tài liệu về dịch vụ du lịch tỉnh Quảng Ninh để quảng bá, giới thiệu đến các doanh nghiệp, người dân tham dự.
Theo thống kê báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tại các kỳ hội chợ trước, chất lượng và số lượng giao dịch đều tăng. Tổng giá trị giao dịch thương mại và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư và kinh doanh tại hội chợ bình quân đều đạt gần 65 triệu đô la Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc và giao dịch với hơn 55.000 thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN và quốc tế đến giao dịch và làm việc tại hội chợ.
Trong khuôn khổ chương trình, ngày 25/9, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tham gia chương trình giao thương với các doanh nhân Trung Quốc tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế Nam Ninh với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện doanh nghiệp hai nước, các tổ chức xúc tiến thương mại.
Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS 2024 lần thứ 21 đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại thường niên, sự kiện uy tín, nơi các doanh nghiệp Việt Nam tham dự để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, là điểm đến cho những khởi đầu kinh doanh và đầu tư giữa thị trường hai nước.
Trong khuôn khổ CAEXPO 2024, ngày 23/9, tại Hội nghị bàn tròn chia sẻ dự án “Lưỡng quốc song viên” và hợp tác ngành nghề Trung Quốc – ASEAN lần thứ 2 năm 2024, đã có 5 thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa UBND TP Móng Cái Quảng Ninh, Việt Nam và Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cụ thể: Biên bản hội đàm lĩnh vực quản lý- cơ sở triển khai các nội dung nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền hai địa phương biên giới; Bản ghi nhớ về hợp tác chia sẻ thông tin các phương tiện thông quan (lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistic); Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác ngành nghề RCEP “Hai nước hai khu” (lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư); Bản ghi nhớ về việc đảm bảo thông quan cho các doanh nghiệp “Hai nước hai khu” (lĩnh vực thương mại); Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ người lao động hai địa phương tại thành phố Móng Cái, Việt Nam và Đông Hưng, Trung Quốc (lĩnh vực lao động).
Ông Hồ Quang Huy, Trưởng Đoàn đại biểu Chính quyền và đại diện doanh nghiệp thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị bàn tròn chia sẻ dự án "Lưỡng quốc song viên" và hợp tác ngành nghề Trung Quốc - ASEAN lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: Thu Hằng |
Tại hội nghị, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, Việt Nam bày tỏ tin tưởng, với các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có mà Chính phủ Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh dành cho thành phố Móng Cái; Chính phủ Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây dành cho thành phố Đông Hưng, cùng với những giá trị khác biệt - cơ hội nổi trội, Móng Cái sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn để cùng phát triển và thịnh vượng, hiện thực hóa mục tiêu tạo ra “Cơ hội mới về hợp tác ngành nghề, lưỡng quốc song viên cùng phồn vinh”.
Ngay sau hội nghị, Đoàn Đại biểu chính quyền và đại biểu Doanh nghiệp thành phố Móng Cái, Việt Nam sẽ cùng Đoàn Đại biểu Chính quyền nhân dân và đại biểu Doanh nghiệp thành phố Đông Hưng, Trung Quốc cùng nhau tổ chức triển khai hoạt động chiêu thương tại khu vực Hoa Đông (miền Đông) Trung Quốc từ ngày 23 đến hết ngày 26/9/2024.
Sau đó, thành phố Móng Cái, Việt Nam sẽ tổ chức cùng Đoàn Đại biểu Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng, Trung Quốc khảo sát và chiêu thương tại một số tỉnh, thành phố Miền Nam, Việt Nam vào trung tuần tháng 10/2024, qua đó để hai bên cùng nhau chuẩn bị chu đáo cho Hội chợ Thương mại - Du lịch Quốc tế Trung – Việt (Đông Hưng – Móng Cái) năm 2024 được tổ chức vào tháng 11/2024 tại thành phố Đông Hưng, Trung Quốc.