Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương bàn cách kết nối để Bắc Giang "có" biển

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Ban Thường vụ 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang về việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy liên kết giữa 3 tỉnh.
Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nhìn từ chùa Đồng Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nhìn từ chùa Đồng Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Một trong những nội dung trong việc hợp tác giữa 3 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đó là phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện để Bắc Giang “có biển”.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành liên quan của Bắc Giang và Hải Dương thống nhất đưa vào quy hoạch các tuyến giao thông kết nối và hợp tác đầu tư để tăng cường kết nối liên vùng, trên nguyên tắc phần thuộc địa giới hành chính của bên nào thì bên đó đầu tư.

Để Bắc Giang “có biển”

Hai địa phương sẽ đầu tư, nâng cấp một loạt các tuyến đường nhằm kết nối nhanh giữa Bắc Giang với Quảng Ninh, trong đó có tuyến đường kết nối thẳng với TP. Hạ Long, góp phần rút ngắn đường ra vịnh Hạ Long từ Bắc Giang.

Các dự án này gồm, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 291 từ Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, kết nối với Quốc lộ 279 của Quảng Ninh đi phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long; Nâng cấp tuyến đường tỉnh 342 để kết nối vùng cao của Hạ Long (huyện Hoành Bồ cũ) với huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, nhằm tạo điều kiện cho Bắc Giang “có biển”, theo Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh sẽ báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong quý IV/2022. Phấn đấu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2023.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành liên quan của 2 tỉnh, tham mưu UBND 2 tỉnh thống nhất tiếp tục báo cáo Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải ưu tiên sớm cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 nêu trên để đồng bộ về quy mô đoạn tuyến từ Quảng Ninh đến Bắc Giang, phù hợp với Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh sẽ dự thảo Tờ trình của 2 địa phương báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải trong quý III/2022.

Với Dự án Tuyến đường nối tỉnh lộ 293 tỉnh Bắc Giang đến Quốc lộ 18 tại xã Bình Dương, TX. Đông Triều của Quảng Ninh, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh có trách nhiệm báo cáo việc đầu tư đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh trong quý IV/2022.

Cũng trong quý IV năm nay, Sở GTVT Quảng Ninh cũng phải báo cáo UBND tỉnh về việc đầu tư đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tuyến Mục đi đèo Kiếm, thuộc xã Dương Hưu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua chủ trương xây dựng giai đoạn 1 Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng đường tỉnh 342 từ TP.Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn.

Đường tỉnh 342 dài 60,2km, với điểm đầu giao với đường tỉnh 326 khu vực cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, điểm cuối tại khu vực Đèo Líu giáp ranh với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Chiều dài tuyến thuộc địa phận TP.Hạ Long là 37,5km, địa phận huyện Ba Chẽ dài 23 km.

Kết nối giao thông toàn diện với Hải Dương

Về đường bộ, Quảng Ninh và Hải Dương tiếp tục hợp tác, đầu tư nâng cấp 2 tuyến đường lớn.

Trong đó, tuyến đường Quốc lộ 18 từ TX. Đông Triều, Quảng Ninh với Cao tốc Hà Nội, Hải Phòng, đoạn qua huyện Thanh Hà, Hải Dương để tạo tuyến giao thông kết nối giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện tại với cáo tốc Nội Bài - Hạ Long trong tương lai.

Dự kiến, dự án được thực hiện trong quý IV/2022 và phấn đấu hoàn thành trước năm 2025.

Cầu Triều nối Quảng Ninh và Hải Dương được đưa vào hoạt động từ 1/1/2021. Quảng Ninh đầu tư hạng mục cầu Triều dài 750 m và đường dẫn nối với QL18 dài 2,2 km, kinh phí 430 tỷ đồng. Phía Hải Dương đầu tư đường dẫn từ cầu Triều đến đường 389 và thị xã Kinh Môn dài trên 5km, kinh phí 257 tỷ đồng.

Cầu Triều nối Quảng Ninh và Hải Dương được đưa vào hoạt động từ 1/1/2021. Quảng Ninh đầu tư hạng mục cầu Triều dài 750 m và đường dẫn nối với QL18 dài 2,2 km, kinh phí 430 tỷ đồng. Phía Hải Dương đầu tư đường dẫn từ cầu Triều đến đường 389 và thị xã Kinh Môn dài trên 5km, kinh phí 257 tỷ đồng.

Tuyến đường thứ 2 là tuyến nối Quốc lộ 37 từ hồ Cô Sơn, Hải Dương với Đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến TX. Đông Triều, Quảng Ninh, nhằm kết nối Đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến TX Đông Triều với đường vành đai 5 – CT.39, để kết nối trực tiếp Đông Triều với Chí Linh.

Đồng thời trục giao thông này sẽ kết nối Quảng Ninh với 8 tỉnh, thành phố trong khu vực gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hoà Bình. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này - đoạn tuyến qua tỉnh Quảng Ninh sẽ được báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2022.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan của 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tham mưu UBND các tỉnh tiếp tục báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải sớm đầu tư đường cao tốc Hạ Long – Nội Bài (quy mô tối thiểu 4 làn xe). Trong trường hợp Nhà nước giao địa phương thực hiện, các tỉnh sẽ phối hợp thực hiện vào giai đoạn trước năm 2030. Giao Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh dự thảo Tờ trình của 3 địa phương báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải trong quý III/2022.

Về đường thuỷ, cả 3 địa phương sẽ cùng phối hợp để thực hiện kết nối mạng lưới giao thông đường thuỷ sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam với hệ thống sông Thái Bình để kết nối tới các cảng tịa Hải Phòng, Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung này sẽ được Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh dự thảo báo cáo của 3 địa phương để đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải trong quý III/2022.

3 địa phương cũng sẽ cùng phối hợp tham mưu UBND các tỉnh để thống nhất sớm báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải về việcchuyển giao các chức năng quản lý cảng, bến thuỷ nội địa dọc 2 bên sông về các địa phương quản lý theo phân cấp để đảm bảo quản lý nhà nước được chặt chẽ, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng - chống tội phạm; Triển khai nạo vét và xây dựng kế hoach nạo vét luồng lạch các tuyến sông này để tăng cường kết nối giao thông đường thuỷ.

Về đường sắt, các địa phương sẽ tiếp tục có ý kiến kiến nghị với Trung ương để Bộ Giao thông - Vận tải sớm hoàn chỉnh tuyến dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long – Cái Lân và khôi phục tuyến đường sắt Kép - Hạ Long. Nội dung này sẽ được báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải trong quý III/2022.

Tin bài liên quan