Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư
Quảng Ngãi được thiên nhiên ưu đãi trên hơn 130 km bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp, với những bãi cát trắng mịn hòa quyện cùng mây trời, như bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Sa Huỳnh, bãi biển Bình Châu.
Kết hợp với sự đa dạng và đan xen kỳ diệu của địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Ngãi có một hệ sinh thái rất phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như núi Cà Đam, thác Trắng, suối Chí..
Các di sản địa chất có giá trị khoa học, khảo cổ, lịch sử bao gồm các khu vực Lý Sơn, Bình Châu đã làm nên Công viên địa chất toàn cầu với tổng diện tích hơn 12.760 ha có giá trị du lịch độc đáo. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.
Tháng 12/2022, Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh tại thị xã Đức Phổ đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, gồm 6 địa điểm: di tích Long Thạnh, di tích Phú Khương, di tích Thạnh Đức, di tích đầm An Khê, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ và quần thể di tích Chămpa.
Đặc biệt, khi nói đến Quảng Ngãi, không thể không nhắc tới đảo Lý Sơn, với thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, những nét hoang sơ vẫn còn lưu giữ. Đảo Lý Sơn là một nơi tuyệt đẹp với những di tích còn lại của 5 miệng núi lửa từ 25 - 30 triệu năm trước đã hình thành nên các cảnh quan hùng vĩ với những vách đá vôi.
Một trong những giải pháp có tính đột phá, đổi mới phát triển du lịch trong thời gian tới là xây dựng sản phẩm đặc trưng, thế mạnh lợi thế của tỉnh và phù hợp với lợi thế văn hóa vùng miền, có khả năng cạnh tranh so với các tỉnh/thành lân cận.
- Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi
Với những lợi thế trên, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm độc đáo, nổi bật và thu hút du khách để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp, trong đó nhiều dự án hạ tầng du lịch được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo quỹ đất sạch đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh kiến nghị đưa Cảng hàng không, sân bay Lý Sơn vào danh sách các cảng hàng không, sân bay tiềm năng của Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Trụ cột” quan trọng trong cơ cấu kinh tế
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Sau năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những “trụ cột” quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; đóng vai trò một điểm đến quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo ông Dũng, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 22 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực với quy mô sử dụng đất 409,71 ha; tổng vốn đăng ký đầu tư 6.619,86 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án đã đưa vào hoạt động, các dự án khác đang trong giai đoạn triển khai.
“Thời gian qua, các dự án du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư để triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan, nhất là việc hướng dẫn tiếp cận đất đai, thủ tục cho phép nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp…”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cho hay, trong thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên quỹ đất, các vị trí thuận lợi tại các địa bàn du lịch trọng điểm để quy hoạch, làm cơ sở thu hút đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch, xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch.
“Một trong những giải pháp có tính đột phá, đổi mới phát triển du lịch trong thời gian tới là xây dựng sản phẩm đặc trưng, thế mạnh lợi thế của tỉnh và phù hợp với lợi thế văn hóa vùng miền, có khả năng cạnh tranh so với các tỉnh/thành lân cận. Đặc biệt là sản phẩm du lịch biển đảo, tập trung xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Dũng nhấn mạnh.