Tỉnh Quảng Ngãi sẽ đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch.
UBND tỉnh Quảng Ngãi Quảng Ngãi vừa xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong năm 2024.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch; kêu gọi đầu tư các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ người dân và du khách tham quan.
Đồng thời, tỉnh này sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách du lịch đường thủy tuyến Sa kỳ - Lý Sơn, Đà Nẵng - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé, huyện Lý Sơn và các tuyến lòng hồ thủy điện Đăkđrinh; tiếp tục phát triển mạng lưới tuyến, chất lượng hoạt động xe buýt, xe taxi, xe điện kết nối với các điểm tham quan du lịch; nghiên cứu phát triển các tuyến thủy nội địa trên sông Trà Khúc và kết nối Khu văn hóa Thiên Mã - du lịch cộng đồng Tịnh Long; thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, công trình tôn giáo phục vụ phát triển du lịch…
Để phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tỉnh này sẽ xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Gành Cả - Châu Tân (Bình Sơn), rừng dừa nước Tịnh Khê; hướng dẫn, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng Sung Tích (TP. Quảng Ngãi); tiếp tục phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch; phát triển mô hình du lịch cộng đồng quanh đàm An Khê trên cơ sở các hạt nhân là sản phẩm OCOP 3 sao Công viên di sản làng Gò Cỏ, làng gốm, HTX du lịch cộng đồng Hoa Muối Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ); mô hình du lịch cộng đồng làng quê Sơn Mỹ (TP. Quảng Ngãi); mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn - Một ngày làm nông dân đất đảo” (Lý Sơn) thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, văn hóa cộng đồng tại các điểm có tiềm năng như làng Ra Manh và hồ Đăkđrinh (huyện Sơn Tây), Long Môn - Thác Trắng (huyện Minh Long), thác Cao Muôn (huyện Ba Tơ)…
Để phục hồi và mở rộng thị trường du lịch, tuyến du lịch, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách tại thị trường mục tiêu truyền thống là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức chuỗi sự kiện kích cầu du lịch nhân Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sự kiện, lễ hội tổ chức trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tiếp tục xây dựng, khai thác tour với các tuyến du lịch nội tỉnh và liên vùng, trong đó tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường du lịch nội địa và quốc tế…
Về hợp tác phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch đã ký kết giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Chương trình hợp tác, phát triển du lịch giữa 6 tỉnh (Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Phú Yên)…