Lãng phí tại công trình đập ngăn mặn Bình Nguyên-Bình Chương khiến Quảng Ngãi chỉ đạo thanh tra hai hạng mục dự án
Điển hình cho những dự án lập “kỷ lục” thi công chậm tại Quảng Ngãi trong hạ tầng thủy lợi là dự án Kênh tiêu, thoát nước Từ Ty (đoạn qua phường Quảng Phú), TP. Quảng Ngãi; Đê kè Hòa Hà (đoạn từ Đê Quan Thánh đến cầu Hiền Lương) và Kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi.
Các dự án này trước đây do Ban Nông nghiệp (Sở NN&PTNT) quản lý, đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay Ban này đã nhập về Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (Ban Quản lý giao thông) nên các dự án cũng được chuyển tiếp về cho Ban Quản lý giao thông đầu tư.
Theo báo cáo của Ban Quản lý giao thông, dự án Kênh tiêu, thoát nước Từ Ty dài gần 3km có tổng mức đầu tư hơn 79,8 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019- 2021. “Sau khi tiếp nhận, Ban phối hợp với các bên liên quan hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công được hơn 2,6km, còn vướng 829m nên tiến độ thi công mới đạt 10% giá trị hợp đồng. Chậm nhất là đoạn nhà đầu tư HAVINA thực hiện, chưa ban hành được thông báo thu hồi đất vì vướng đất công”.
Tiếp theo là dự án Đê kè Hòa Hà (đoạn từ Đê Quan Thánh đến cầu Hiền Lương) ở xã Nghĩa Hà có chiều dài gần 5,5km. Dự án này có tổng mức vốn đầu tư gần 126 tỷ đồng, thực hiện 10 năm nay nhưng đang phải dừng thi công ở gói thầu 18 từ tháng 5/2019 do vướng giải phóng mặt bằng và đền bù. Bên cạnh đó, dự án Kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) cũng đang có nhiều bất cập trong việc tham mưu của chủ đầu tư cũng như lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan đến dự án.
Cùng với các dự án lĩnh vực nông nghiệp là các dự án hạ tầng giao thông tại Quảng Ngãi, trong đó, đường Lê Thánh Tôn, dự án đường Chu Văn An, nút giao thông Lạc Long Quân-Quang Trung đều thuộc TP Quảng Ngãi. Dự án đường Lê Thánh Tôn có chiều dài gần 1km, tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng, được triển khai 8 năm nay nhưng mới thi công được hơn 600m (Baodatutu.vn đã phản ánh).
Đê kè Hòa Hảo đạt "kỷ lục" thi công chậm tại Quảng Ngãi. Hơn 10 năm vẫn chưa xong phần kè. |
Trong khi đó, dự án đường Chu Văn An và Khu dân cư, gồm 2 dự án thành phần, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sĩ Liên (đang triển khai) đều thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, vốn đầu từ 320 tỷ đồng, từ nguồn vốn khai thác từ quỹ đất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện chỉ có đoạn tuyến từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sĩ Liên đang thực hiện. “Trong điều kiện hiện nay, việc tiếp tục thực hiện 2 dự án song song trong giai đoạn 2021-2025 là không khả thi”- Ban giao thông nhận định.
Đặc biệt, dự án đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước (huyện Bình Sơn) được phê duyệt đầu tư vào cuối tháng 10/2017, đến cuối tháng 11/2018 phê duyệt điều chỉnh dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, thi công đã 3 năm mới phát hiện “có những điểm chưa phù hợp với thực tế”. Cụ thể, thiết kế cầu giao thông kết hợp với đê không đúng, không phù hợp; quy mô của cầu và xử lý vấn đề kết nối giao thông không trật thiết kế hướng tuyến...
Trước những bất cập tại Kênh tiêu, thoát nước Từ Ty, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Ban giao thông làm rõ 2 mốc thời gian: “từ khi UBND tỉnh phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu để triển khai thi công đến thời điểm bàn giao cho Ban giao thông và thời gian sau khi bàn giao để xác định việc công trình bị chậm trễ là do đâu, trách nhiệm thuộc về ai; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh đề xuất hình thức xử lý.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao cho Ban giao thông tỉnh Quảng Ngãi xem xét điều chỉnh giá nhưng không được vượt tổng mức đầu tư của dự án. Đối với đê kè Hòa Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng do sự yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý dự án của chủ đầu tư nên dự án dù có khối lượng công việc không lớn nhưng gần 10 năm thi công chưa hoàn thành.
Còn tại dự án Kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi): “Việc này thể hiện sự thiếu tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư, nếu UBND tỉnh không tiến hành kiểm tra thực tế và cho triển khai thực hiện dự án thì chắc chắn công trình này sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội”- lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhận định.
Chưa dừng lại ở đó, đối với dự án đường Lê Thánh Tôn, quá sốt ruột với dự án này, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định giao mặt bằng gần 400m2 còn lại của dự án (trước đây UBND tỉnh giao cho một nhà đầu tư khác thực hiện) cho UBND Thành phố Quảng Ngãi tiếp nhận và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Về dự án đường Chu Văn An và Khu dân cư, gồm 2 dự án thành phần, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sĩ Liên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc triển khai 2 dự án này không có tính khả thi, tổng mức đầu tư tăng gấp đôi so với lúc phê duyệt dự án. Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất chưa thực hiện đoạn tuyến Ngô Sĩ Liên - Hùng Vương, chỉ cho phép thực hiện đoạn đường từ Hai Bà Trưng - Ngô Sĩ Liên.
Tại dự án đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước, ông Đặng Văn Minh cho rằng, từ chủ đầu tư đến tư vấn lập dự án, tư vấn thiết thiết kế, kể cả cấp quyết định đầu tư không đi thực tế, thiếu sâu sát dẫn đến khi thi công dự án nảy sinh nhiều bất cập. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu lập đoàn thanh tra toàn diện đối với 2 hạng mục của dự án. Trong thời gian thanh tra, tạm dừng thi công dự án để tính toán sau.