Ào ạt phân lô, bán nền đang phá vỡ cảnh yên bình ở nhiều vùng quê tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Chung
“Dự án” bao phủ vùng nông thôn
Xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nằm cách TP. Quảng Ngãi hơn 20 km và nằm ở địa thế không thực sự thuận lợi. Tuy nhiên, từ “bơm thổi” của giới “cò đất”, vùng quê vốn yên bình này đã trở thành tâm điểm của cơn sốt đất nền.
Có mặt tại thôn 4, xã Nghĩa Lâm, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận, nơi này xuất hiện các “dự án” khu dân cư với mỗi khu có diện tích chưa đầy 2.000 m2. Tại đây, khu đất gần 2.000 m2 được cắm cọc phân ra 14 lô đất riêng lẻ với diện tích 100 - 130 m2, được “cò đất” quảng cáo là “siêu phẩm đất nền ven sông”.
Cách đó không xa, chúng tôi tiếp cận một “dự án” khác chưa đầy 1.000 m2, được chia thành 7 lô đất nền và được giới “nhà đầu tư” tung bán với cái tên “Khu dân cư Nghĩa Lâm”.
Bà Thắm (nhà ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm) cho biết, từ khi các “cò đất” về đây, vùng đất quê bà trở nên “có giá”, chủ đất nào muốn bán là “chưa đầy nốt nhạc” đã có người tiếp cận và sẵn sàng xuống tiền.
“Hồi giờ, bà con ở đây chỉ lo làm đồng, con cái đi làm nhà máy - xí nghiệp, ai nghĩ đất cát có ngày tăng giá vù vù như vậy. Từ Tết Nguyên đán đến giờ, ngày nào cũng có người đến xem đất. Chỉ cần dân gật đầu là họ đem tiền ra đặt cọc, viết giấy ngay tại bàn”, bà Thắm nói.
Cùng tại xã Nghĩa Lâm, ông Sang (chủ thửa đất 600 m2) đã sang tay cho một “cò đất” với giá 800 triệu đồng.
Ông Sang cho biết, mảnh đất đó trước gia đình ông có làm nhà ở, nhưng do quá xa trung tâm và sát núi, nên ông chuyển ra trung tâm thôn sống. Nhiều năm qua, việc canh tác không được thuận lợi vì đất cằn cỗi, hoa màu không phát triển, nên ông chuyển sang trồng keo lấy gỗ.
“Sau mỗi vụ, 5 năm mới bán được cây keo, nhưng chưa đến 10 triệu đồng. Ngờ đâu họ hỏi mua nên tôi bán ngay. Tôi không ngời nơi “khỉ ho cò gáy” này lại bán được với giá trên trời. Giờ họ bán lại 100 triệu đồng chắc gì tôi mua. Nhìn ai cũng thấy “bể”, nhưng “cò đất” vẫn cứ “thổi” và giá đội lên mỗi ngày”, ông Sang trình bày.
Cũng tại xã Nghĩa Thuận, vừa qua, giới “cò đất” tung tin về dự án “Khu dân cư Thuận Kỳ” có quy mô gần… 3.000 m2, được chủ sử dụng đất tách thành 22 lô đất liền kề với diện tích 100 - 130 m2/lô. Tại đây, giới “cò đất” đầu tư thêm 4 tuyến đường bê tông xẻ dọc lô đất, cùng điện năng lượng mặt trời và cắm cọc hô bán. Các lô đất được rao bán công khai dưới tên Khu dân cư Thuận Kỳ.
Theo giới thiệu, chủ sở hữu khu đất trên là Công ty Địa ốc Babylon có trụ sở tại quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) là chủ đầu tư và phân phối độc quyền. Trong khi đó, theo UBND xã Nghĩa Thuận, hiện trên địa bàn xã không có dự án nào có tên Khu dân cư Thuận Kỳ.
Tại xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa), tình trạng “cò đất” gom đất nông nghiệp, đất vườn để chuyển đổi sang đất ở tại thôn Điền An cũng diễn ra khá phổ biến.
Tuy vậy, ông Nguyễn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền cho hay: “Việc mua bán đất là quyền tự do của người dân. Họ không đến xã để thực hiện các thủ tục, nên rất khó phát hiện, xử lý”.
Nằm giáp ranh TP. Quảng Ngãi, lâu nay, khu vực các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền của huyện Tư Nghĩa… cũng xuất hiện nhiều “dự án” có quy mô siêu nhỏ, 5 - 10 lô, cá biệt có “dự án” lên đến hàng chục lô.
Những “dự án” này do một số doanh nghiệp, cá nhân mua gom đất trong dân, diện tích 500 - 2.000 m2, sau đó “chẻ” ra thành nhiều lô có diện tích 100 - 130 m2, với cơ cấu sử dụng đất là 100% đất ở, đổ đất san nền và lát gạch làm vỉa hè, lắp dựng trụ đèn đường chiếu sáng năng lượng mặt trời…, rồi tổ chức làm “quy hoạch chi tiết”, làm giá, rao bán.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc các cá nhân tự ý “gom” đất ở vùng nông thôn, đầu tư thêm hạ tầng rồi phân lô bán nền gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Người mua đất chẳng ai về ở, trong khi người dân ở địa phương có nhu cầu thật lại không thể mua đất vì giá bị “thổi” lên cao. Đó là chưa kể cảnh làng xóm, người thân nhốn nháo vì tranh giành đất đai, nguy cơ mất an ninh trật tự… Đáng lo ngại, vấn nạn “phân lô bán nền” không lập dự án đầu tư nhà ở chẳng những “băm nát” nông thôn, mà còn dẫn đến tình trạng tách thửa sai phép và biến tướng thành đất ở, phá vỡ quy hoạch phát triển của địa phương, làm quá tải hệ thống hạ tầng khu vực.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo “hỏa tốc” yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa chủ trì, khẩn trương tổ chức kiểm tra, có biện pháp kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng “phân lô bán nền”. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu huyện Tư Nghĩa tăng cường công tác quản lý các giao dịch mua bán, chuyển quyền sử dụng đất, các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa không đúng quy định pháp luật.
“Siết chặt” tình trạng tách thửa
Ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện nhanh chóng tiến hành rà soát các nội dung liên quan như tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san đất nền, nâng đất ở… tại một số địa phương như Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền…
“Riêng với 3 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền, UBND huyện đã quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra, xác định, làm rõ diện tích đất này đã chuyển mục đích từ thời gian nào, tách thửa khi nào và kiểm tra xem việc làm này có đảm bảo các quy định của pháp luật hay không. Đồng thời, các xã này phải tham mưu UBND huyện hướng xử lý triệt để vấn đề để báo cáo UBND tỉnh”, ông Vinh chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND huyện Tư Nghĩa, căn cứ hồ sơ các địa phương cung cấp, cũng như rà soát hồ sơ gốc tại Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Tư Nghĩa cho thấy, nguồn gốc các thửa đất này là đất ở của người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào năm 1997 và toàn bộ diện tích thửa đất đều là đất ở.
Thống kê của UBND huyện Tư Nghĩa cho thấy, tính đến ngày 31/8/2022, từ 11 thửa đất, các chủ đất đã tách ra thành 95 thửa, đã giao dịch, mua bán 64 thửa.
UBND huyện Tư Nghĩa cho rằng, so với trước đây, việc người dân xây dựng hạ tầng điện năng lượng, lát gạch, đường bê tông tại 11 thửa đất đã tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp hơn tại các khu vực này. Hầu hết người dân địa phương đồng tình ủng hộ vì thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt. Tuy nhiên, trong số 11 thửa đất được kiểm tra có 3 trường hợp người dân tự làm đường bê tông nông thôn trên nền đường đi hiện hữu.
UBND huyện Tư Nghĩa nhận định, việc người dân tự ý làm đường bê tông nông thôn và lát gạch trên nền đường hiện hữu không xin phép cấp có thẩm quyền là không đúng quy định.
“Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đa phần đã về đích nông thôn mới, nhưng do thiếu kinh phí, nên chỉ mới bê tông hóa được 70% và 30% còn lại sẽ làm sau. Việc người làm đường mới trái với quy hoạch giao thông, nhưng ở đây, người dân hiến đất làm trên con đường cũ. Tuy nhiên, việc người dân làm đường cần phải báo với địa phường để có có quy chuẩn làm đường phù hợp với quy hoạch”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, để kiểm soát tốt tình hình quản lý đất đai trên địa bàn trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn xử lý các trường hợp vi phạm đã nêu.
“UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ các tờ rơi không đúng sự thật treo trên các trụ điện, cây xanh dọc theo các tuyến đường, xử lý các trường hợp người dân tự ý làm đường bê tông, lót gạch trên nền đường đi hiện hữu; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát các trường hợp tách thửa (phân lô), chuyển quyền sử dụng đất (bán nền) tại các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn, kịp thời xử lý, chấn chỉnh những trường hợp thực hiện không đúng quy định”, ông Vinh cho hay.
Những “dự án” này do một số doanh nghiệp, cá nhân mua gom đất trong dân, diện tích 500 - 2.000 m2, sau đó “chẻ” ra thành nhiều lô có diện tích 100 - 130 m2, đổ đất san nền và lát gạch làm vỉa hè, lắp dựng trụ đèn đường chiếu sáng năng lượng mặt trời…, rồi tổ chức làm “quy hoạch chi tiết”, làm giá, rao bán.